Phân tích Trao duyên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

12
Phân tích đoạn “Trao duyên” trích trong Truyện Kiều của nhà thơ Nguyễn Du BÀI LÀM Với Truyện Kiều thi phẩm muôn đời của đất Việt- dường như không ai là không tìm thấy những phần, những đoạn hay câu chữ cho riêng mình. Có người yêu giai điệu êm ái, e ấp mà mặn nồng của những ngày đầu Kim – Kiều gặp gỡ, có người say mê với cái nhớ nhung của cách xa, li biệt…. Riêng tôi, tôi như chỉ muốn đối diện với cái xót xa, đau đớn của Kiều trong đoạn trích “Trao duyên”: Cậy em, em có chịu lời Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa Giữa đường đức gánh tương tư Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em Kể từ khi gặp chàng Kim Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề Sự đâu sóng gió bất kì Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai? Ngày xuân em hãy còn dài Xót tình máu mủ, thay lời nước non Chị dù thịt nát xương mòn Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây Chiếc thoa với bức tờ mây Duyên này thì giữ, vật này của chung

Transcript of Phân tích Trao duyên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

Phân tích đoạn “Trao duyên” trích trong Truyện Kiều của nhà thơ Nguyễn Du

BÀI LÀM

Với Truyện Kiều thi phẩm muôn đời của đất Việt- dường như không ai là không tìm thấy những phần, những đoạn hay câu chữ cho riêng mình. Có người yêu giai điệu êm ái, e ấp mà mặn nồng của những ngày đầu Kim – Kiều gặp gỡ, có người say mê với cái nhớ nhung của cách xa, li biệt…. Riêng tôi, tôi như chỉ muốn đối diện với cái xót xa, đau đớn của Kiều trong đoạn trích “Trao duyên”:

Cậy em, em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa

Giữa đường đức gánh tương tư

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em

Kể từ khi gặp chàng Kim

Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề

Sự đâu sóng gió bất kì

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai?

Ngày xuân em hãy còn dài

Xót tình máu mủ, thay lời nước non

Chị dù thịt nát xương mòn

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây

Chiếc thoa với bức tờ mây

Duyên này thì giữ, vật này của chung

Dầu em nên vợ nên chồng

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên!

Mất người còn chút của tin

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa

Mai sau dù có bao giờ

Đốt lò hương ấy, so tơ phím này

Trông ra ngọn cỏ lá cây

Thấy hiu hiu gió, thì hay chị về

Hồn còn mang nặng lời thề

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai

Dạ đài cách mặt, khuất lời

Rảy xin chén nước cho người thác oan

Bây giờ trăm gãy bình tan

Kể làm sao hết muôn vàn ái ân!

Trăm nghìn gửi lạy tình quân

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi

Phận sao phận bạc như vôi?

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng .

Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!

(Trích Truyện Kiều- Nguyễn Du)

Trước những thi phẩm lớn, mỗi người có một cách cảm cách hiểu khác nhau cũng như cách tiếp cận riêng biệt. Bao giờ cũng thế, đến với Truyện Kiều , đến với “Trao duyên”, tôi luôn để lòng mình trôi theo những niềm tâm sự của nàng Kiều. Dường như, đọc và cảm sâu sắc lần lượt từng câu chữ của đọan thơ này, chính là phương pháp đúng đắn để thấu hiểu được tâm trạng của nàng Kiều. Đây chính là khi việc nhà đã xong, nàng “một mình một bóng” đối diện với chính mình, suy ngẫm về bao chuyện riêng tư, từ khi có gia biến, nàng chỉ một lòng làm tròn chữ “Hiếu” và đêm nay- đêm cuối cùng của cuộc đời con gái – nàng mới có thời giờ cho riêng mình để rồi “Nỗi riêng ,riêng những bàn hoàn”. Việc nhà, thế là đã xong còn mối tình chớm nở của mình, nàng sẽ giải quyết sao đây? Trong tình cảnh ấy, có người sẽ đành lãng quên bỏ mặc lời hẹn với người thương, có người sẽ cưỡng lại tất cả để bảo vệ tình yêu thương của mình…Thế nhưng nàng Kiều đã thu xếp để cho bên tình cũng như bên hiếu đều “vẹn bề” cả. Nàng cậy nhờ Thúy Vân - trao duyên, gửi tình cho Thúy Vân rồi mới lên

đường. Dường như phải làm tất cả mọi việc chu toàn mới khiến nàng khỏi vướng bận, khiến nàng sớm mai cất bước ra khỏi nhà mới thanh thản. Chính vì thế, giữa đêm khuya, một mình nàng ngồi ngẫm nghĩ để rồi có lời với Thúy Vân:

Cậy em ,em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa

Lời thơ làm cho ta ngạc nhiên – Tại sao giữa xã hội phong kiến lễ giáo nghiêm ngặt- nàng lại phải “cậy em” và “lạy rồi sẽ thưa” ? Luật lệ gia đình, nàng là chị, Vân là phận em- Làm sao phải “lạy” phải “thưa” như vậy? Lời nói đã bộc lộ hết cái sắc sảo, minh mẫn của nàng Kiều. Nàng muốn “lạy” em chính là vì muốn nhờ em một chuyện thật hệ trọng, thật khó nói ra thành lời. Chính những điều tưởng như vô lí, khó hiểu ấy sẽ khiến Thúy Vân dễ bề chấp nhận. Cái “sắc sảo, mặn mà” của Thúy Kiều mà Nguyễn Du đã giới thiệu chính là như thế! Khéo léo trong từng lời ăn tiếng nói và ở đây là trong lời cậy nhờ Thúy Vân- Lời trao duyên gửi tình. Sau lời mở đầu như vậy, nàng mới bắt đầu thổ lộ niềm tâm sự cùng Thúy Vân:

Giữa đường đức gánh tương tư

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em

Kể từ khi gặp chàng Kim

Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề

Dường như sau cái ngại ngùng, khó nói phút ban đầu “được lời như cởi tấm lòng”, nàng một hai giãi bày bao điều thầm kín với Thúy Vân, bao điều về một mối tình đắm say, đang hứa hẹn những mặn nồng thế nhưng ẩn sau ngôn từ vẫn thấp thoáng cái “cậy nhờ” khéo léo của nàng. Nếu nàng mở đầu với Vân – “… em có chịu lời” một cách thiết tha thì đến đây nàng buông lời “mặc em”. Không phải là cậy nhờ nữa mà trao gửi hoàn toàn, phó thác hoàn toàn chuyện duyên tình của mình cho Vân quyết định. Chỉ một chữ “mặc” thôi mà nàng như buộc chặt Vân vào mối tình của mình- làm sao Vân có thể chối từ được! Thúy Kiều thông minh mà sắc sảo, khéo léo lắm thay !

Sau lời giải bày ấy, nàng lại tiếp tục bộc bạch về nỗi niềm riêng tư của mình.

Sự đâu sóng gió bất kì

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai?

Tôi như thấy nàng ngừng lại, dùng lời để thăm dò ý tứ Thúy Vân. Dẫu không thể hiện thành lời, thì cái ngừng ấy tôi như vẫn cảm thấy thắc thỏm đằng sau câu chữ. Nàng lại buông lời:

Ngày xuân em hãy còn dài

Nhắc đến tuổi trẻ, xuân sắc của Thúy Vân dường như trong nàng cũng trào lên một nỗi luyến tiếc – tiếc cho tuổi trẻ của em mình – mai đây vì mình mà đành bỏ phí để “chắp mối tơ thừa”. Thấu hiểu nỗi lòng Vân, nàng nhắc đến “ngày xuân” như muốn gửi niềm thiết tha, thân thương ấy và cũng muốn Vân hãy giùm nàng, hãy nhận lấy lời trao duyên. “Ngày xuân em hãy còn dài”- lời nói như cảm thông mà cũng như cầu xin sự hi sinh của Vân với mình:

Xót tình máu mủ thay lời nước non

Còn nàng:

Chị dù thịt nát xương mòn

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây

Lời “trao duyên” của nàng từ khi e ấp, do dự, ngập ngừng đến đây vẫn còn sắc sảo, sáng suốt của lí trí, bộc lộ một nàng Kiều khéo léo trong cách ăn nói.

Lời “trao duyên” của nàng đặt trong lời nhờ cậy, đã khiến Thúy Vân phải chăng lắng nghe, khiến Thúy Vân dù do dự tiếc nuối, nhưng vẫn phải nhận lời. Nàng đề đạt tất cả với Thúy Vân và giải bày suy nghĩ, tình cảm của riêng mình- “Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”.

Thế nhưng khi đưa ra kỉ vật, tâm trạng nàng bị xáo trộn, xúc động ghê gớm ! Nàng không còn mạnh mẽ, sáng suốt của lí trí nữa. Trước kỉ vật, mối tình đã được trao gửi, chôn chặt ấy bừng dậy. Dường như nàng không kìm nén được nữa. Khi kỉ vật đã hiện ra trước mắt nàng thì cái xa cách li biệt không còn thấp thoáng nũa mà hiện hữu rõ nét, rõ hình. Bao lời tuôn ra là bao lời đớn đau, bao nước mắt. Đằng sau cái thay đổi đột ngột ấy của tâm trạng nàng Kiều, cùng ta và biết bao độc giả- khóc cho duyên phận lỡ làng của một kiếp đời, kiếp người. Có xót thương đồng cảm tột cùng với nàng, Nguyễn Du mới miêu tả được sự xáo trộn trong tâm trạng nàng. Thi nhân như đã nhập thân vào cùng Kiều thở than, rơi lệ:

Chiếc thoa với bức tờ mây

Duyên này thì giữ vật này của chung

Dẫu nàng vừa mới buông lời: “mặc em” thì đến đây khi kỉ vật cầm tay, tất cả tình cảm trong nàng thức dậy. Tình yêu trong nàng đòi giữ phần, có phần cho chính mình. Dù “Duyên này thì giữ” nhưng nàng vẫn quyết “vật này của chung”. Nàng không muốn rời xa mà chỉ muốn có chỗ cho mình- muốn duyên tình là “của chung”, chung cho chàng Kim, cho Thúy Vân và cho cả nàng nữa. Còn gì thiết tha, đau đớn hơn thế nữa không? “Duyên này thì giữ vật này của chung”. Rõ ràng có sự thay đổi từ một nàng Kiều sáng suốt, sắc sảo thành một nàng Kiều bị đau thương phủ lấp, khiến nàng quên hết những lời kín kẽ khéo léo đã sắp sẵn. Muốn em chắp hộ “mối tơ thừa” muốn em giao kết cùng chàng Kim để cho nàng “ngậm cười chín suối” vậy mà nàng lại thốt lên.

Dầu em nên vợ nên chồng

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên !

Mất người còn chút của tin

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa

Không đớn đau, không níu giữ sao cho được khi đành lòng phải dứt bỏ duyên tình! Dẫu trao cho em gái thì vẫn luyến tiếc, vẫn thấy ngậm ngùi. Nàng không thể “ngậm cười” được, nàng mốn em, muốn chàng Kim không quên nàng, xót thương cho nàng. Nàng muốn có phần, nàng muốn có bóng hình mình, sự hiện diện của mình trong mối duyên tình vừa mới trao gửi “xót người bạc mệnh ắt lòng chẳng quên” dường như là lời níu kéo, níu lại một chút hạnh phúc cho mình dù thật nhỏ nhoi, ít ỏi. Đó là lời mong muốn thiết tha, muốn chàng Kim và Vân hãy dành cho nàng một chút nhớ thương , xót xa…Đến đây , nàng không còn đủ minh mẫn để giải bày đã đành- nàng cũng không còn đủ tỉnh táo để phân biệt ảo mộng và đời thực. Nàng bị cuốn theo cơn mê man của những kỉ niệm, nàng trôi theo những tưởng tượng về “mai sau”. Nàng không thể phân biệt mộng và thực.Thực thực hư hư lẫn lộn quay cuồng. Nguyễn Du có lẽ đã dùng phép đồng hiện để diễn tả cái xáo trộn dữ dội trong tâm trạng nàng.

Mai sau dù có bao giờ

Đốt lò hương ấy, so tơ phím này

Trông ra ngọn cỏ lá cây

Thấy hiu hiu gió, thì hay chị về

Nàng quên mất Thúy Vân trước mắt, mà chỉ thấy thấp thoáng, thấp thoáng giữa mộng và thực khi nàng đã trở thành người dưới suối vàng oan khuất trở về. Nàng như

thấy nàng trong hiu hiu ngọn gió, nàng như thấy nàng lẩn quẩn trên “ngọn cỏ lá cây”. Nàng tự cho mình là người oan ức, chốc cho mình những khổ ải mai sau. Lú lẫn, nhập nhoạng giữa thực hư , giữa cảnh hôm nay và mai sau, nàng mất hoàn toàn lí trí sáng suốt buông trôi theo mênh mông khổ đau xót xa cho thân phận mình. “Mai sau dù có bao giờ”. Mai sau, mai sau…lời nói sao mà đắng cay, đáng thương đến thế! Nàng cầu xin, nàng cất lời trong những tưởng tượng quay cuồng:

Hồn còn mang nặng lời thề

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai

Dạ dài cách mặt, khuất lời

Rảy xin chén nước cho người thác oan

Nàng còn sống đây mà tự coi như đã chết – đã cách mặt khuất lời, rồi muốn chàng Kim và Vân xót thương nhỏ cho giọt nước.

Không chỉ lẫn lộn trong những tưởng tượng về mai sau và sự thật hôm nay, nàng còn như thấy chàng Kim ngay trước mắt. Khổ đau đã lên tới tột cùng khi nàng thốt lên : “ kể làm sao xiết muôn vàn ái ân” và rồi như nói với Kim Trọng. Đúng hơn, nàng đã nói với Kim Trọng lời nói cuối cùng trước khi ngàn trùng cách biệt:

Trăm nghìn gửi lạy tình quân

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi

Phận sao phận bạc như vôi?

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.

Lời độc thoại của nàng đã chuyển từ Thúy Vân sang với Kim Trọng. Lời than của nàng mà cũng chính là lời thốt lên, vút ra từ chốn sâu kín của tâm hồn- nơi vẫn dành cho chàng Kim bao tình cảm mãnh liệt. Nàng than thân trách phận. Nàng gọi tên chàng- gọi không thể vơi bớt niềm đau, vơi sầu tủi- gọi tên chàng mà chính là gọi nỗi lòng mình gọi xót xa:

Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây

Rất tự nhiên, thể hiện tấm lòng vị tha đầy nữ tính. Nàng không đổ lỗi cho ai. Không than vì điều này điều nọ. Nàng nhận cả về mình, cho ràng nàng “phụ” chàng Kim lần cuối để rồi mê man không còn đủ sức thở than, khóc lóc gì nữa. Gọi tên chàng

lần này, ngày mai nàng cất bước ra đi có lẽ sẽ thanh thản một phần. Tiếng kêu xé ruột nhức nhối “Đoạn trường tân thanh” phải chăng chính là tiếng kêu giã biệt trong cảnh trao duyên này.

Không chỉ một lần, Nguyễn Du để cho nàng cất lên tiếng kêu đau đớn như thế! Suốt cuộc đời nàng là tiếng kêu dội đất vang trời cho kiếp tài hoa. Thế nhưng tiếng kêu trong cảnh trao duyên này dường như lên tới tột cùng của xót xa. Đời nàng từ khi bước chân ra khỏi nhà là chất chồng bao nỗi đau đớn, chẳng dễ gì so sánh kém hơn. Những nỗi niềm đau khi trao duyên với tôi và có lẽ với bao người vẫn cứ là đau đớn nhất. Bởi lẽ, đây không phải là bị rẽ duyên , cướp duyên,.. mà chính nàng phải chia lìa – tự mình chia lìa với mối tình vừa chớm nở mình vừa cất lời thề ước. Không những thế, đây còn là nỗi đau đầu tiên mà nàng vấp phải.Những trở ngại sau này không thể đau hơn thế bởi khi ấy nàng đã “dạn gió dầm sương” đã quen đối mặt với những trắc trở. Nỗi đau của “Trao duyên” là nỗi đau đầu đời, đánh dấu mười lăm năm lưu lạc của Kiều. Vì thế nó có nét độc đáo riêng biệt- là tiếng kêu đầu tiên nhưng xót xa nhất cho cuộc đời trinh trắng bị sóng gió dập vùi.

Trong suốt bao câu của cảnh trao duyên, duy chỉ có lời của nàng Kiều. Đó là lời giải bày, nhờ cậy thở than…khi với Vân, khi với Kim Trọng. Độc thoại ở đây không trở nên đơn giản, nhàm chán. Người đọc bị cuốn theo những thay đổi, theo từng cung bậc của tâm trạng nàng Kiều- đó không phải là ngẫu nhiên mà chính là ngụ ý của Nguyễn Du. Cho nàng độc thoại chính là Nguyễn Du đã giúp ta hiểu thêm Kiều, là rõ nội tâm của nàng. Kiều đến với chúng ta không chỉ ở vẻ đẹp hình thức mà còn là sự sâu sắc, đa dạng, phong phú của đời sống nội tâm. Cảnh “trao duyên” với lời độc thoại của nàng Kiều đã thể hiện rõ thành lời thành chữ cái tinh túy bên trong của Thúy Kiều, cái tinh túy mà không phải ai cũng có được và không phải ai cũng đánh giá đúng. Đó chính là cái tài của nghệ sĩ Nguyễn Du. “Kiều” hay và đi sâu vào tâm hồn muôn người Việt Nam chính là nhờ cái tài ấy. Nghệ sĩ đã đi sâu vào thế giới đầy bí ẩn- thế giới đầy mâu thuẫn , khó hiểu của con người để phân tích mổ xẻ- không những thế, còn diễn tả bằng một giọng văn thiết tha tình cảm mà thanh cao, trong đẹp. Lời thi nhân như là phần tinh túy nhất của tiếng Việt ta. Mỗi lời thơ là một nốt nhạc đẹp, giàu hình ảnh và lung linh nhạc điệu gieo vào hồn người. Tưởng như không ai có thể diễn tả chuẩn xác tâm trạng rối bời của Kiều và thể hiện sâu sắc như Nguyễ Du. Chỉ cần một “ trao duyên” đã nâng giá trị của Nguyễn Du lên rất nhiều trong cách miêu tả nội tâm nhân vật.

Để có được cái tài ấy, để có được cách viết đã lên đến hàng tuyệt bút ấy – chính là do cái tâm của nghệ sĩ. Dẫu trong suốt đoạn thơ, không thấy lời Nguyễn Du nhưng

sao tôi cứ thấy thấp thoáng gương mặt thi nhân. Bởi chính thi nhân đã như cũng hóa thân vào nàng Kiều, cùng khóc cùng đau cái đau của nhân vật, “ sau câu thơ hồi hộp những tâm tình” chính là như thế !Cảm thông với nàng đến tột bậc Nguyễn Du mới có thể miêu tả hay đến vậy!Lời nói sao như có máu, có nước mắt- như nổi sóng đau thương người đã gửi trọn tâm tình của mình, nỗi đau của mình cũng bao trăn trở, day dứt trước cuộc đời, trước số phận con người vào lời thơ. Người đã viết “Trao duyên” bằng cả tâm hồn, bằng thứ mực chưng cất từ bao đau đớn mà Người đã trải nghiệm. Phải chăng “Trao duyên” chính là câu hỏi xót xa của Nguyễn Du cho thân phận tài hoa bạc mệnh của Kiều, của chính nghệ sĩ, cũng như của bao kiếp đời khác. Mỗi lời thơ là một câu hỏi luyến sâu, nhấn đậm trong lòng người- câu hỏi muôn đời không thể trả lời được:

Cổ kim hận sự thiên nan vấn

Phong vận kì oan ngã tự cư.

(Độc Tiều Thanh kí)

Có thương yêu xót xa cho số phận con người thì nghệ sĩ mới cất lên được tiếng thơ day dứt đến thế! “Trao duyên” và cả Truyện Kiều đều lấp lánh lòng nhân ái ấy, tư tưởng nhân văn ấy của Nguyễn Du.

Mỗi lần đọc đoạn thơ này cũng như mỗi lần đọc các thi phẩm của Nguyễn Du, tôi đều gặp cái tài, cái tâm của một nghệ sĩ- một nhân cách lớn.Mỗi lời thơ đều gieo vào lòng tôi những cảm xúc không thể nào quên về cái hay, cái đẹp cũng như cái tình của nghệ sĩ không dám nhận là tri âm, là người đồng điệu nhưng tôi muốn mình góp một tiếng khóc trong tiếng khóc của muôn người sau hàng trăm năm. Nghìn năm sau này với đại thi hào Nguyễn Du.

Gặp lại Truyện Kiều mà tôi như vẫn thấy cái thổn thức của Nguyễn Du, những tâm tình hồi hộp sau bao câu chữ. Gặp lại “Trao duyên” tôi vẫn thấy một tâm trạng khổ đau của nàng Kiều trong tiếng kêu ai oán động trời đất:

Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây !

(Bài của Phạm Thị HIền Hòa – THPT Nam Hà, tỉnh Long An)

**LƯU Ý ** :Bạn nào có nhu cầu download thì ở phía trên tay phải có nút LOGIN, các bạn ấn vào đó và đăng nhập bằng facebook là có thể download ngon lành rồi