Những thành phố vô hình

47
những thành phố vô những thành phố vô hình hình le città invisibili le città invisibili Italo Calvino Italo Calvino Trần Tiễn Cao Đăng dịch Trần Tiễn Cao Đăng dịch từ bản tiếng Anh của William Weaver từ bản tiếng Anh của William Weaver 1

Transcript of Những thành phố vô hình

Page 1: Những thành phố vô hình

những thành phố vô hìnhnhững thành phố vô hìnhle città invisibilile città invisibili

Italo CalvinoItalo Calvino

Trần Tiễn Cao Đăng dịchTrần Tiễn Cao Đăng dịch

từ bản tiếng Anh của William Weavertừ bản tiếng Anh của William Weaver

1

Page 2: Những thành phố vô hình

Tiểu sử Italo Calvino

Nhà báo, tác giả truyện ngắn, nhà tiểu thuyết, nhà văn. Với những truyện hư cấu mang tính ngụ ngôn nổi bật bởi khả năng tưởng tượng phi thường, ông là một trong các nhà văn Italia quan trọng nhất của thế kỷ 20.

Italo Calvino sinh năm 1923 tại Santiago de las Vegas, Cuba, bố mẹ người Italia. Lớn lên ông cùng gia đình trở lại Italia, sống tại San Remo. Ông học ở Đại học Tổng hợp Turin (1941-1947) và Đại học Hoàng gia Florence (1943). Trong thế chiến thứ hai ông bị gọi vào Đoàn Thanh niên Phát xít, nhưng ông bỏ trốn, chạy lên dãy núi Alpes gia nhập Lực lượng kháng chiến của Đảng Cộng sản Italia. Những sự kiện trong thời kỳ này là nguồn cảm hứng cho các truyện ngắn đầu tay của ông. Về sau, ông làm biên tập và viết cho nhiều tờ báo và tạp chí cho đến cuối đời. Ông từng sống khá lâu ở Pháp.

Các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông gồm có Le cosmicomiche (tạm dịch: Hài kịch vũ trụ, 1965), Le città invisibili (Những thành phố vô hình, 1972), Se una notte d’inverno un viaggiatore (tạm dịch: Nếu một đêm đông một khách lữ hành, 1979) và Palomar (1983). Năm 1956, ông xuất bản tuyển tập Fiabe italiane (Truyện cổ Italia), tập hợp các truyện cổ từ nhiều địa phương của Italia. Ông cũng viết một cuốn sách nổi tiếng cho trẻ em với nhan đề Marcovaldo (1963).

Calvino mất vì xuất huyết não tại Siena vào ngày 19/09/1985. Các bài tiểu luận Le lezione americane (Những bài học Mỹ) được xuất bản sau khi ông qua đời.

Những thành phố vô hình (Le città invisibili, 1972) là một câu chuyện hư cấu siêu thực trong đó Marco Polo bịa ra những thành-phố-trong-mơ nhằm mua vui cho Kubla, Đại hãn Mông cổ. Nguyên tắc kể chuyện của Polo là: “Sự trá ngụy không bao giờ ở trong ngôn từ, mà ở trong sự vật.” ở Isidore, một trong những Thành phố Ký ức, “gã nước ngoài đang phân vân giữa hai phụ nữ luôn luôn gặp một phụ nữ thứ ba”, còn ở Zirma, người ta thấy “một cô gái dắt con báo đi dạo phố,” và người ta rời khỏi Tamara “mà vẫn chưa hề khám phá được thành phố ấy.” Cái đế quốc đầy những mê cung của Đại hãn trở thành một ẩn dụ về bản thân vũ trụ.

2

Page 3: Những thành phố vô hình

1

Đại Hãn không hẳn tin mọi điều Marco Polo nói khi chàng mô tả những thành phố mà chàng đã ghé qua trong suốt cuộc hành trình, nhưng Hoàng đế Tartar vẫn càng lúc càng chăm chú, tò mò lắng nghe chàng trẻ tuổi thành Venezia. Xưa nay, chưa bao giờ Ngài lắng nghe vị sứ giả hay nhà thám hiểm nào một cách chăm chú và tò mò đến vậy. Trong đời các bậc đế vương có một khoảnh khắc tiếp sau niềm kiêu hãnh về những lãnh thổ vô tận đã bị ta chinh phục, và nỗi buồn cùng sự nhẹ lòng khi biết rằng chẳng bao lâu nữa ta sẽ từ bỏ mọi ý định hòng biết và thấu hiểu những miền đất bao la kia. Có một cảm giác trống rỗng đến với ta khi mỗi buổi chiều xộc lên mùi những con voi sau cơn mưa và tro gỗ đàn hương lạnh dần trong những lò than, một cơn chóng mặt khiến sông ngòi và núi non run rẩy trên đường cong những bình nguyên bỏ hóa nơi sông núi kia được tạo hình hài, và, từng chặp, tin báo dồn dập tới cho ta hay về sự tan rã đội quân cuối cùng của kẻ thù, thất bại tiếp sau thất bại, và sáp bong ra từ vương triện của những ông vua vô danh tiểu tốt xin cống nạp hàng năm những kim loại quý, da thuộc và mai rùa để được nương bóng quân đội của chúng ta. Chính cái khoảnh khắc tuyệt vọng khi ta khám phá ra rằng đế quốc này, vốn dường như là tổng gộp mọi điều kỳ diệu đối với ta, là một đống đổ nát vô hình, vô tận, cái chứng hoại thư đó đã bành trướng vô phương cứu chữa bằng vương trượng của ta, rằng chiến thắng trước vương quyền của kẻ thù đã làm ta trở thành kẻ thừa kế sự suy tàn chậm chạp của vương quyền đó. Chỉ trong lời kể của Marco Polo, Đại Hãn mới có thể nhận ra, qua những bức tường và ngọn tháp mà số trời đã định sẽ có ngày sụp đổ, họa tiết một mẫu hình quá mơ hồ đến nỗi loài mối cũng không sao gặm tới.

Thành phố và Dục vọng - 2

Sau ba ngày đi xuống phía Nam, ta đến Anastasia, thành phố với những con kênh dẫn nước bố trí thành những đường đồng tâm, bên trên có những cánh diều bay lượn. Tôi cần kể ra danh sách những thứ ta có thể mua ở đây với giá hời: đá mã não, đá onix, đá chrysoprase và các loại đá quý khác, tôi sẽ ca ngợi thịt chim trĩ vàng nướng trên ngọn lửa bằng gỗ anh đào tẩm gia vị và rắc đẫy rau kinh giới; kể về những người đàn bà tắm trong hồ ở một khu vườn, và đôi khi - nghe nói vậy - những phụ nữ này mời người lạ cởi áo quần cùng họ và đuổi bắt họ ở dưới nước.

3

Page 4: Những thành phố vô hình

Nhưng, dù đã nói ra tất cả những điều đó, tôi vẫn chưa kể với Ngài thực chất của thành phố; bởi một khi những mô tả về Anastasia khêu gợi lần lượt từng dục vọng chỉ để buộc ta phải kiềm chế chúng, thì khi ta đặt chân đến Anastasia vào một buổi sáng, tất cả dục vọng của ta sẽ bừng dậy cùng một lúc và vây quanh ta. Thành phố đối với ta như một cái toàn thể nơi không một dục vọng nào mất đi và ta chỉ là một phần của nó, và, bởi nó được hưởng tất cả những gì ta không được hưởng, ta không thể làm gì ngoài việc trải nghiệm cái dục vọng này và thỏa mãn. Đấy là cái quyền lực đôi khi bị coi là ác, đôi khi được gọi là lành của Anastasia, cái thành phố tráo trở này; nếu ta làm việc tám tiếng một ngày như một người thợ xẻ đá mã não, đá onyx, đá chrysoprase, thì lao động của ta, vốn dĩ chính nó tạo hình cho dục vọng, cũng lấy từ trong dục vọng ra hình hài của nó, và ta tin rằng ta đang tận hưởng trọn vẹn Anastasia trong khi ta chỉ là nô lệ của nó.

Thành phố và dấu hiệu - 2

Du khách trở về từ thành phố Zirma mang theo những ký ức thật khác biệt: một người da đen mù la hét giữa đám đông, một người điên đi chệnh choạng trên gờ mái một toà nhà chọc trời, một cô gái thong dong dạo phố dắt theo con báo. Trên thực tế, trong số những người mù lấy gậy gõ lên mặt sỏi lát đường có nhiều người da đen, trong mỗi tòa nhà chọc trời đều có ai đó sắp sửa mất trí; mọi kẻ điên đều ở lì hàng giờ trên các gờ mái; không có con báo nào mà chẳng được một cô gái nào đó nuôi, như một ý thích nhất thời. Thành phố thật thừa thãi; nó tự lặp lại mình để một cái gì đó sẽ bám chặt trong tâm trí.

Tôi cũng trở về từ Zirma: ký ức tôi bao gồm những chiếc khinh khí cầu bay theo mọi hướng, ngang tầm cửa sổ; những phố buôn bán nơi người ta vẽ hình xăm lên da đám thủy thủ; xe điện ngầm lèn chặt những mụ đàn bà béo ị thở hổn hển vì không khí ẩm ướt. Mặt khác, các bạn đồng hành của tôi lại thề họ chỉ thấy mỗi một khinh khí cầu lượn giữa những ngọn tháp của thành phố; chỉ một nghệ sĩ xăm mình sắp xếp những kim những mực và mẫu xăm trên chiếc ghế dài, chỉ một mụ đàn bà béo ị ra sức quạt phành phạch trên bậc lên xuống tàu điện. Ký ức thật thừa thãi: nó lặp lại các dấu hiệu để cho thành phố có thể bắt đầu hiện hữu.

4

Page 5: Những thành phố vô hình

2

Thành phố và ký ức - 5

Ở Maurilia, du khách được mời thăm thành phố, đồng thời xem vài tấm bưu ảnh cũ cho thấy thành phố ngày xưa ra sao: cũng quảng trường ấy với một con gà mái ở vị trí nay là ga xe buýt, một bục dàn nhạc ở chỗ bây giờ là cầu vượt, hai phụ nữ trẻ che ô trắng tại nơi nay là xưởng đúc đạn. Nếu du khách không muốn làm cư dân thành phố thất vọng, anh ta phải khen cái thành phố trong bưu ảnh và tỏ ra thích nó hơn cái thành phố hiện tại, mặc dù anh phải cẩn thận kiềm chế nỗi tiếc nuối của mình trước những đổi thay; anh phải thừa nhận rằng sự nguy nga và phồn thịnh của thủ phủ Maurilia, khi so sánh với Maurilia tỉnh lẻ ngày xưa, không thể bù cho vẻ yêu kiều nào đó đã mất, cái vẻ yêu kiều mà giờ đây ta chỉ có thể chiêm ngưỡng trong những tấm bưu ảnh cũ, trong khi trước kia, khi thành phố Maurilia tỉnh lẻ đó còn ở trước mặt ta, ta tuyệt không thấy bất cứ cái gì yêu kiều mà có thể lại thấy Maurilia ắt còn tệ hơn ngày nay giá nó đã không thay đổi; và dù thế nào thì thế, thành Maurilia đồ sộ này có thêm điều hấp dẫn rằng, thông qua cái mà nó đã trở thành, ta có thể nhìn lại cái nó đã từng là với nỗi hoài niệm.

Hãy cẩn thận khi nói với họ rằng đôi khi những thành phố khác nhau lại theo chân nhau trên cùng một chỗ và dưới cùng một tên, sinh ra và chết đi mà chẳng biết nhau, chẳng hề lên tiếng với nhau. Đôi khi, ngay tên của các cư dân cũng không đổi, cả giọng nói của họ, cả nét mặt họ cũng thế; nhưng các thánh thần cư ngụ dưới những cái tên và trên những ngôi nhà đã ra khi không một lời để lại và những người ngoài đã vào thay chỗ họ. Thật vô nghĩa nếu hỏi liệu những người mới đến tốt hơn hay xấu hơn những kẻ trước, bởi không có sự liên kết nào giữa họ, cũng như những bưu ảnh cũ không mô tả Maurilia của ngày xưa; chúng mô tả một thành phố khác mà tình cờ cũng mang tên Maurilia, như thành phố này.

5

Page 6: Những thành phố vô hình

3Thành phố & Dục vọng - 5

Từ nơi đó, sau sáu ngày và bảy đêm, ta đến Zobeide, thành phố trắng, dãi mình dưới ánh trăng, với những con phố ngoằn ngoèo như trong cuộn len. Người ta kể như sau về việc thành lập thành phố: những người đàn ông ở nhiều nước khác nhau có cùng một giấc mơ. Họ thấy một người đàn bà chạy trong đêm, qua một thành phố lạ; họ chỉ thấy sau lưng nàng, mái tóc dài, nàng trần truồng. Họ mơ thấy mình đuổi theo nàng. Quanh co, ngoặt ngang rẽ dọc hồi lâu, từng người đều lạc mất nàng. Sau giấc mơ, họ lên đường tìm thành phố đó; họ chẳng bao giờ tìm thấy nó, nhưng họ gặp nhau; họ quyết định xây dựng một thành phố giống như thành phố trong giấc mơ. Khi bố trí các đường phố, mỗi người theo đúng lộ trình họ đã đuổi theo người đàn bà; ở nơi họ mất dấu kẻ chạy trốn, họ sắp đặt không gian và những bức tường khác với trong giấc mơ, để người đàn bà không thề thoát lần nữa. Đó là thành phố Zobeide, nơi họ lưu lại, chờ cảnh ấy tái diễn một đêm nào đó. Không ai trong bọn họ, dù ngủ hay thức, còn thấy lại người đàn bà. Những con đường của thành phố là những con đường họ đi làm hàng ngày, không còn liên hệ gì với cuộc săn đuổi trong mơ. Cuộc săn đuổi mà, vì lẽ đó, từ lâu họ đã quên mất.

Những người khác đến từ những xứ sở khác, do cũng nằm mơ như họ, và trong thành phố Zobeide, họ nhận ra một cái gì từ những con đường ở trong mơ, và họ thay đổi vị trí những vòm cuốn và cầu thang để cho giống hơn với đường chạy của người đàn bà bị truy đuổi, và như vậy, ở nơi nàng đã biến mất, sẽ không còn đường thoát nào.

Kẻ đến đầu tiên không thể hiểu điều gì đã dẫn những người kia đến Zobeide, cái thành phố xấu xí này, cái cạm bẫy này.

Thành phố và Dấu hiệu - 4

“Trong tất cả những thay đổi về ngôn ngữ mà một khách lữ hành phải đương đầu ở những xứ sở xa xôi, không thay đổi nào sánh được với những gì chờ đợi y ở thành phố Hypatia. Bởi, thay đổi ở đây không liên quan đến từ ngữ, mà liên quan đến sự vật. Tôi vào Hypatia một buổi sáng, một khu vườn mộc lan

6

Page 7: Những thành phố vô hình

in bóng trong những đầm phá xanh biếc, tôi đi giữa những bờ rào, tin chắc mình sẽ bắt gặp những phụ nữ trẻ đẹp đang tắm; nhưng nơi đáy nước, lũ cua đang ngoạm mắt những người tự tử, đá buộc quanh cổ họ, tóc họ xanh ngắt màu rong.

Tôi cảm thấy bị lừa gạt và quyết định đòi công lý ở nhà vua. Tôi trèo lên những bậc thang bằng đá porfia của lâu đài có những mái vòm cao nhất, tôi băng qua sáu khoảnh sân trong lát gạch có vòi phun. Đại sảnh trung tâm bị lưới sắt ngăn lại: những người tù chân đeo xích đen trũi đang kéo những tảng bazan từ một mỏ đá mở ra dưới lòng đất.

Tôi chỉ còn biết hỏi các triết gia. Tôi vào thư viện lớn, tôi lạc giữa những giá sách oằn xuống dưới những dây buộc bằng da, tôi theo thứ tự vần của những chữ cái đã biến mất, đi lên xuống những hành lang, cầu thang, qua những cái cầu. Trong gian phòng xa nhất bằng giấy cói, trong một đám khói mù như mây, cặp mắt mê mụ của một thanh niên xuất hiện trước tôi, anh ta nằm trên chiếu, môi dán vào tẩu thuốc phiện.

“Nhà thông thái đâu?”

Người hút chỉ ra ngoài cửa sổ. Đó là một khu vườn với những trò chơi trẻ con: trò chơi ki, xích đu, con quay. Triết gia ngồi trên bãi cỏ. Ông nói: “Các dấu hiệu tạo hình ngôn ngữ, nhưng không phải cái ngôn ngữ anh tưởng rằng anh biết.”

(...)

7

Page 8: Những thành phố vô hình

Những thành phố mỏng - 3

Armilla trông như vậy là bởi nó hãy còn xây dựng dở dang hay nó đã bị phá hủy, bởi một bùa chú nào hay chỉ do một ý thích bất thường, tôi không biết. Thực tế là, nó không có tường, không có trần nhà, không có sàn; nó chẳng có gì giống một thành phố ngoại trừ những ống nước nhô thẳng đứng lên trời ở nơi lẽ ra là những ngôi nhà, trải rộng ở nơi đáng lẽ là những sàn nhà: một rừng ống nước tận cùng bằng những vòi nước, vòi hoa sen, máng xối, ống thoát nước. Nổi bật giữa nền trời là màu trắng một chiếc lavabô, một bồn tắm, hay vật gì đó bằng sứ, như những trái quả muộn màng treo trên cành cây. Ta sẽ cho rằng những người thợ ống nước đã làm xong công việc và bỏ đi trước khi cánh thợ nề đến; hoặc là hệ thống nước của họ, không gì phá hủy được, đã vượt qua một thảm họa, một cơn động đất, hay sự gặm mòn của mối.

Dù đã bị từ bỏ trước hay sau khi có người cư trú, Armilla không thể gọi là một chốn không người. Vào bất cứ giờ nào, ngước mắt nhìn giữa những ống nước, ta có thể thấy thấp thoáng một phụ nữ trẻ, hay nhiều phụ nữ trẻ, mảnh mai, nhỏ nhắn, khoan khoái đầm mình trong bồn tắm hay cúi lưng dưới những vòi hoa sen treo giữa khoảng không; họ rửa ráy, phơi nắng hay xức nước hoa, hoặc chải mái tóc dài trước gương soi. Dưới ánh nắng, những sợi nước xòe cánh quạt từ các vòi hoa sen lấp lánh, tia nước từ những vòi, nước phun, nước tóe, bọt xà phòng bám trên bọt biển.

Tôi đã đi tới kết luận này: các dòng nước chảy trong những ống ở Armilla là sở hữu của các nữ thần cây cỏ và nữ thủy thần. Đã quen đi lại theo những mạch ngầm dưới đất, họ thấy thật dễ chịu khi bước vào vương quốc nước mới mẻ này, đột ngột xuất hiện từ bao nhiêu vòi nước, tìm thấy những chiếc gương mới, những cách mới để chơi đùa với nước. Sự xâm nhập của họ đã đẩy con người đi, hoặc Armilla đã được con người dựng nên như một món quà tạ ơn hầu mong ân sủng của các nữ thần bị xúc phạm bởi sự lạm dụng nước. Dù thế nào đi nữa, những nàng trinh nữ ấy, bây giờ họ có vẻ hài lòng: buổi sáng, ta có thể nghe họ hát.

Thành phố và mắt - 1

Người xưa xây dựng Valdrada quanh bờ một cái hồ, với những ngôi nhà toàn những hành lang chồng chất lên nhau, và những con đường cao nơi các bức tường rào chấn song nhô trên mặt nước. Vậy nên khi đến đây, du khách thấy hai thành phố: một sừng sững phía trên hồ, một phản chiếu và lộn ngược.

8

Page 9: Những thành phố vô hình

Chẳng có gì hiện hữu ở Valdrada này mà Valdrada kia không lặp lại, bởi thành phố được kiến thiết sao cho bất cứ điểm nào cũng được phản chiếu trong tấm gương của nó, và Valdrada dưới nước không chỉ chứa những rãnh máng và mái đua của mặt tiền các ngôi nhà phía trên hồ mà cả nội thất các căn phòng, với trần và sàn, phối cảnh các đại sảnh, những tấm gương tủ quần áo.

Cư dân Valdrada biết, mỗi hành vi của họ cùng một lúc vừa là bản thân hành động đó vừa là ảnh gương của nó, với cái phẩm tính đặc biệt vốn có của ảnh chiếu, và, một khi đã biết điều đó, không một phút nào họ buông xuôi cho sự ngẫu nhiên và tính hay quên. Ngay cả khi hai kẻ yêu nhau quấn thân thể trần truồng của họ vào nhau, da siết vào da, cố tìm cái vị trí cho họ nhiều khoái cảm nhất ở người kia, ngay cả khi tên giết người đâm ngập dao vào những mạch máu đen trên cổ nạn nhân và máu đặc càng phun thì y càng ấn mạnh lưỡi dao vào giữa các dây chằng, thì điều đáng kể chẳng phải là việc họ giao cấu hay giết người, mà chính việc giao cấu và giết người của các ảnh chiếu, trong suốt và lạnh lẽo trong gương kia, mới là điều đáng kể.

Đôi khi tấm gương nâng cao giá trị một vật, đôi khi nó phủ nhận giá trị đó. Không phải cái gì dường như có giá trị ở phía trên tấm gương cũng còn nguyên uy lực khi phản chiếu trong gương. Hai thành phố song sinh không đồng đẳng, bởi không có gì hiện hữu hoặc xảy ra trong Valdrada là đối xứng: mỗi khuôn mặt và cử chỉ đều được tấm gương trả lời bằng một khuôn mặt và cử chỉ lộn ngược, từng điểm một. Hai Valdrada tồn tại cho nhau, mắt chúng lồng nhau: nhưng giữa chúng không có tình yêu.

9

Page 10: Những thành phố vô hình

4Thành phố & Dấu hiệu - 5

Thưa Đại Hãn anh minh! Không ai biết rõ hơn Ngài rằng chúng ta không bao giờ được lẫn lộn thành phố với những từ mô tả nó. Thế nhưng, giữa cái này và cái kia có một mối liên hệ. Nếu tôi mô tả với Ngài thành phố Olivia, một thành phố giàu sản vật và lời lãi, tôi có thể chỉ ra sự phồn vinh của nó bằng cách chỉ nói về những lâu đài bằng vàng với nệm trang trí diềm tua đặt trên những ghế ngồi bên cửa sổ có chấn song. Trên một khoảnh sân trong, nước từ vòi phun tưới ướt một bãi cỏ nơi có con công trắng xòe đuôi. Nhưng từ những chữ này, Ngài nhận ra ngay rằng Olivia phủ trong một đám mây bồ hóng và dầu mỡ dính bết vào những ngôi nhà, rằng trên các con đường hỗn độn, những chiếc xe lao vun vút ép khách bộ hành vào tường.

Nếu tôi phải nói với Ngài về nghề nghiệp của cư dân thành phố, tôi sẽ nói về cửa hàng của người bán yên ngựa khẳm mùi da thuộc, về những phụ nữ vừa đan thảm cọ vừa trò chuyện râm ran, về những kênh đào treo đưa nước làm quay cánh quạt cối xay; nhưng hình ảnh mà các từ đó gợi lên trong tuệ trí của Ngài là hình ảnh chiếc cán bắt chặt vào lưỡi tiện, một thao tác lặp đi lặp lại hàng ngàn lần bởi hàng ngàn bàn tay với nhịp điệu định sẵn cho mỗi động tác. Nếu tôi phải giải thích với Ngài rằng tinh thần của Olivia hướng tới một cuộc sống tự do và một nền văn minh tao nhã, tôi sẽ kể cho Ngài về những bà mệnh phụ lướt trong đêm trên những chiếc xuồng đèn hoa đẹp đẽ giữa đôi bờ một cửa sông xanh biếc, nhưng điều đó chỉ để nhắc nhở Ngài rằng ở những vùng ngoại ô nơi mỗi buổi chiều đám đàn ông đàn bà bước từ dưới thuyền lên như một hàng dài những kẻ mộng du, luôn luôn có ai đó phá lên cười trong bóng tối, tuôn ra hàng tràng câu cợt đùa và châm chọc mỉa mai.

Điều này có lẽ Ngài không biết: để nói về Olivia, tôi không thể dùng những lời khác. Nếu quả thật có một Olivia của những ô cửa sổ chấn song và những con công, những thợ dệt yên ngựa và dệt thảm, những chiếc xuồng và cửa sông, nó sẽ là một cái túp lều thảm hại, đen đúa, đầy nghẹt ruồi, và để mô tả nó, tôi sẽ phải viện đến những ẩn dụ về bồ hóng, tiếng bánh xe cót két, những hành động lặp đi lặp lại, những lời châm chọc. Sự trá ngụy không bao giờ ở trong ngôn từ; nó ở trong sự vật.

10

Page 11: Những thành phố vô hình

Những thành phố mỏng - 4

Thành phố Sophronia được tạo thành từ hai nửa thành phố. ở một nửa này có chiếc xe trượt dốc lao qua những gò đồi dựng đứng, vòng ngựa gỗ với những chuỗi nan hoa, vòng đu quay với những chiếc lồng xoay tròn, truờng đua xe với những chiếc môtô rạp mình nơi các khúc quanh, cái trụ cao với những xích đu treo giữa. Nửa thành phố kia bằng đá, cẩm thạch và xi măng, với ngân hàng, nhà máy, cung điện, lò sát sinh, truờng học, và tất cả những gì còn lại. Một trong hai nửa thành phố thường tồn, nửa kia nhất thời, và khi thời hạn lưu tồn của nó chấm dứt, nguời ta nhổ nó lên, tháo dỡ mang đi, chuyển nó đến những khu còn trống của nửa thành phố kia.

Và như vậy mỗi năm lại có những ngày công nhân dẹp bỏ các bệ tượng bằng cẩm thạch, hạ những bức tường đá, những cột tháp xi măng, tháo dỡ Bộ, đài tuởng niệm, ụ tàu, nhà máy lọc dầu, bệnh viện, chất chúng lên xe moóc, đi theo đúng lộ trình hàng năm, từng chặng từng chặng một. Nơi đây còn lại nửa Sophronia của các gian hàng bắn súng và vòng đu quay, tiếng hét treo lơ lửng từ chiếc xe lao vút trên đuờng trượt dốc, và nó bắt đầu đếm những tháng, những ngày nó phải chờ đợi truớc khi đoàn lữ hành quay về và một cuộc sống trọn vẹn có thể bắt đầu lại.

11

Page 12: Những thành phố vô hình

5Những thành phố mỏng - 5

Ngài quyết định tin tôi, vậy thì tốt. Giờ tôi sẽ kể cho ngài chuyện Octavia, thành phố mạng nhện, được xây dựng ra sao. Có một vực thẳm giữa hai ngọn núi dốc đứng: thành phố treo trên khoảng không, buộc vào hai chỏm núi bằng dây thừng, dây xích và cầu khỉ. Ta đi lại trên những cầu khỉ nhỏ bé bằng gỗ ấy, cố cẩn thận sao cho đừng đặt chân vào khoảng không, hoặc ta bám vào những dây đai làm bằng sợi gai dầu. Bên dưới, suốt cả hàng trăm mét hoàn toàn chẳng có gì; vài đám mây lướt qua; xa hơn nữa bên dưới, ta thoáng thấy lòng vực thẳm.

Cơ cấu nền của thành phố như sau: một mạng lưới vừa là lối đi vừa là điểm tựa. Mọi thứ khác thay vì mọc lên trên thì lại treo phía dưới: cầu thang bằng dây thừng, những chiếc võng đu đưa, nhà cửa hình bao tải, giá mắc quần áo, sân thượng giống như giỏ khí cầu, những váng nước, đèn hàn khí, xiên nướng thịt, giỏ có dây treo, giá chuyển đồ ăn, vòi tắm hoa sen, xà và vòng treo cho trẻ con chơi, ô tô kéo bằng dây cáp, những ngọn chúc đài, những chậu dây leo.

Treo trên vực thẳm, cuộc sống của cư dân Octavia chẳng bất định hơn là ở các thành phố khác. Họ biết rằng mạng lưới chỉ tồn tại bấy lâu thôi.

12

Page 13: Những thành phố vô hình

Thành phố thương mại - 4

ở Ersilia, để thiết lập những mối quan hệ duy trì đời sống của thành phố, cư dân căng những sợi dây từ các góc nhà, màu trắng, đen, xám hoặc đen trắng tùy theo đó là quan hệ huyết thống hay quan hệ ngành hàng, quan hệ với chính quyền, quan hệ với phường buôn. Khi dây đâm ra nhiều đến mức người ta không chui qua được nữa, cư dân thành phố bỏ đi: nhà cửa bị tháo dỡ, chỉ còn lại những sợi dây và cọc đỡ dây.

Từ trên sườn núi, nơi họ cắm trại với mớ đồ gia dụng mang theo, những người Ersilia lánh nạn nhìn cái mê cung những sợi dây căng và những cọc lô nhô dưới đồng bằng. Đó vẫn là thành phố Ersilia, còn họ chẳng là gì cả.

Họ xây dựng lại Ersilia ở chỗ khác. Họ dệt nên một kiểu tương tự những sợi dây mà họ muốn cho càng phức tạp hơn đồng thời quy củ hơn kiểu trước. Thế rồi họ từ bỏ nó và mang chính mình cùng với cửa nhà đi xa hơn nữa.

Vậy đó, khi du hành trên lãnh thổ Ersilia, ta bắt gặp phế tích những thành phố bỏ hoang, không có những bức tường tàn tạ với thời gian, không có xương người chết lăn lóc theo chiều gió: những mạng nhện các mối quan hệ rối bời tìm kiếm một hình hài.

Thành phố & Mắt - 3

Sau bảy ngày đi bộ qua rừng, kẻ du hành nhắm hướng thành phố Baucis không nhìn thấy thành phố, ấy thế mà y đã đến. Những cây cột mảnh dựng lên từ mặt đất cách nhau rất xa và khuất trong mây, chúng nâng thành phố. Ta trèo lên thành phố bằng thang. Cư dân thành phố hiếm khi xuất hiện trên mặt đất: đã có tất cả những thứ họ cần ở trên kia, họ không muốn xuống nữa. Không có cái gì của thành phố này chạm đất trừ những cái cẳng sếu kia mà thành phố tựa lên, và một cái bóng thủng hoác, khẳng khiu đổ trên vòm lá những khi trời nắng.

13

Page 14: Những thành phố vô hình

Có ba giả thuyết về cư dân Baucis: rằng họ ghét mặt đất; rằng họ quá tôn trọng mặt đất đến nỗi tránh mọi tiếp xúc; rằng họ yêu mặt đất nhưng là cái mặt đất ngày xưa khi họ chưa có mặt, và, chĩa ống nhòm hay kính viễn vọng xuống dưới, họ không hề mệt mỏi khảo sát mặt đất, từng chiếc lá, từng hòn đá, từng con kiến, say sưa thưởng ngoạn sự vắng mặt của chính mình.

6

Thành phố & Người chết - 2

Chưa hề có chuyến đi nào mà tôi lại bạo gan như khi đến Adelma. Khi tôi đặt chân vào thành phố, trời đã chạng vạng tối. Trên bến tàu, tay thủy thủ đang bắt lấy sợi dây thừng buộc vào cọc trông hao hao giống một người từng đi lính với tôi và đã chết. Lúc ấy đang là phiên chợ cá bán sỉ. Một ông già đang trút giỏ nhím biển lên xe bò; hình như tôi nhận ra ông ta; khi tôi ngoái lại, ông đã biến mất cuối con đường, nhưng tôi nhận ra rằng ông giống một người đánh cá mà hồi tôi còn nhỏ thì ông đã già lắm rồi nên không thể nào còn sống đến giờ. Tôi bối rối khi thấy một kẻ đang lên cơn sốt nằm co ro trên mặt đất, đầu quấn khăn: cha tôi, ít ngày trước khi chết cũng có cặp mắt vàng khè và râu ria lởm chởm như người này. Tôi quay đi nơi khác; tôi không còn dám nhìn thẳng vào mặt ai.

Tôi nghĩ: “Nếu Adelma là một thành phố ta đang thấy trong mơ, nơi ta gặp toàn những người đã chết, giấc mơ đó làm ta sợ. Nếu Adelma là một thành phố có thật và cư dân là những người sống, ta chỉ cần tiếp tục nhìn họ, khi đó sự giống nhau sẽ dần dần biến mất, những khuôn mặt lạ sẽ xuất hiện, đầy thống khổ. Trong cả hai trường hợp, tốt nhất là không nên cứ một mực nhìn chằm chằm vào họ.”

Một người bán rau cân một chiếc bắp cải rồi đặt vào chiếc giỏ đung đưa đầu sợi dây mà một cô gái từ trên ban công thòng xuống. Cô gái này giống một cô gái ở làng tôi, cô này đã phát điên vì tình và tự sát. Người bán rau ngẩng mặt lên: chính là bà tôi.

14

Page 15: Những thành phố vô hình

Tôi nghĩ: “Mi đã tới một thời điểm trong đời mà ở đó, trong số những người mi từng biết, người chết đông hơn người sống. Và trí óc mi từ chối chấp nhận thêm những khuôn mặt mới, những nét mặt mới: trên mỗi khuôn mặt mới mà mi gặp, trí óc mi in lên những hình dáng cũ, với mỗi khuôn mặt mới, nó tìm chiếc mặt nạ phù hợp nhất.”

Các công nhân bốc vác nối đuôi nhau lên cầu thang, oằn lưng dưới những thùng rượu; mặt họ khuất sau những chiếc mũ trùm đầu bằng vải bố. “Giờ họ sẽ thẳng người lên và ta sẽ nhận ra họ,” tôi nghĩ, lòng bồn chồn kinh sợ. Nhưng tôi không thể rời mắt khỏi họ; nếu tôi hướng cái nhìn dù chỉ một chút về phía đám đông ken chặt những đường phố nhỏ hẹp kia, tôi sẽ bị tấn công bởi những khuôn mặt bất ngờ, tái xuất hiện từ xa xăm, nhìn chòng chọc vào tôi như thể đòi tôi nhận ra họ, như thể muốn nhận ra tôi, như thể họ đã nhận ra tôi. Có lẽ, với mỗi người trong số họ, tôi cũng giống một ai đó đã chết. Tôi chỉ vừa mới đến Adelma, nhưng tôi đã là một trong số họ, tôi đã nhập về phía họ, bị hấp thụ vào cái kính vạn hoa những đôi mắt, nếp nhăn, vẻ mặt.

Tôi nghĩ: “Có lẽ Adelma là thành phố nơi ta đến khi đã chết và mỗi người sẽ gặp lại những người y đã biết. Thế nghĩa là, cả ta cũng đã chết.” Và tôi cũng nghĩ: “Thế nghĩa là, thế giới bên kia không hạnh phúc”.

Thành phố và bầu trời - 1

ở Eudoxia, cái thành phố trải dài vừa lên cao vừa xuống thấp, với những đại lộ, bậc thang, ngõ cụt và túp lều uốn lượn quanh co, người ta bảo quản một tấm thảm mà trong đó ta có thể quan sát hình thức thật sự của thành phố. Thoạt nhìn, nó chẳng có gì giống Eudoxia ngoại trừ kết cấu của tấm thảm, trải ra những môtíp đối xứng với những họa tiết lặp đi lặp lại dọc theo các đường thẳng đường cong, đan xen với những đường xoắn ốc đầy màu sắc, cứ vậy lặp đi lặp lại có thể suốt chiều dài sợi ngang tấm thảm. Nhưng nếu xem kỹ, ta sẽ bị thuyết phục rằng mỗi nơi trên tấm thảm ứng với một địa điểm trong thành phố và mọi vật có trong thành phố đều hiện diện trong tấm thảm, được sắp xếp tùy theo quan hệ thực giữa chúng, cái quan hệ thực mà con mắt chúng ta, bị xao nhãng bởi sự xô đẩy, chen chúc, lăng xăng, thường không nhìn thấy được. Tất cả sự hỗn độn của Eudoxia, tiếng be be những con la, những vết ố muội đèn, mùi cá, là những gì hiển nhiên trong cái phối cảnh bất toàn mà ta nắm bắt được; nhưng tấm thảm chứng minh rằng có một điểm mà từ đó thành phố phơi bày quy mô thật của nó, cái sơ đồ hình học ẩn tàng trong mỗi chi tiết nhỏ nhặt nhất của nó.

15

Page 16: Những thành phố vô hình

Rất dễ lạc đường ở Eudoxia; song, khi tập trung chú mục vào tấm thảm, ta nhận ra con phố ta đang tìm kiếm trong một đường chỉ màu đỏ thắm hay chàm hay nâu đỏ mà, trong một đường vòng rộng, đưa ta đến một khu đất rào màu tía vốn là đích đến thật sự của ta. Mỗi cư dân Eudoxia so sánh trật tự bất động của tấm thảm với hình ảnh của chính y về thành phố, một nỗi đau của riêng y, và mỗi người có thể tìm thấy, ẩn trong những đường uốn lượn kia là câu trả lời, câu chuyện của cuộc đời y, những khúc quanh của số phận.

Người ta từng hỏi một nhà tiên tri về mối liên kết bí ẩn giữa hai vật khác nhau đến thế là tấm thảm và thành phố. Một trong hai vật đó - nhà tiên tri trả lời - có cái hình dạng mà thánh thần đã ban cho bầu trời sao và những quỹ đạo mà trong đó các thế giới xoay vần; vật kia là một sự phản ánh gần đúng, cũng như mọi sáng tạo của con người.

Từng có thời các thầy bói tin chắc rằng mẫu hình cân đối của tấm thảm có nguồn gốc thần thánh. Người ta diễn giải lời nhà tiên tri theo nghĩa này, nên không gây ra mâu thuẫn gì. Song, ta có thể đi đến một kết luận ngược lại theo cách tương tự: rằng tấm bản đồ đích thực của vũ trụ chính là thành phố Eudoxia, một vết bẩn trải ra không hình thù, với phố xá quanh co, những căn nhà đè lên nhau giữa hàng đám mây bụi, những ngọn lửa, những tiếng thét trong bóng tối.

16

Page 17: Những thành phố vô hình

7

Thành phố & Mắt - 5

Sau khi lội qua dòng sông, sau khi băng qua hẻm núi, ta bất ngờ thấy trước mặt thành phố Moriana, những cánh cổng trắng tựa đá hoa trong suốt dưới ánh mặt trời, dãy cột san hô nâng những trán tường cẩn hoa văn xoắn vặn như rắn, những tòa nhà thủy tinh giống như bể cá nơi bóng những vũ nữ lấp lánh vảy bạc bơi dưới ngọn đèn treo hình sứa. Nếu đây không phải là chuyến du hành đầu tiên của ta, ta hẳn đã biết rằng những thành phố như vậy có một mặt trái: chỉ cần đi bộ nửa vòng tròn, ta sẽ thấy khuôn mặt ẩn giấu của Moriana, một vùng mênh mông những tấm kim loại rỉ, vải bố, những tấm ván lởm chởm đinh, những ống đen nhẻm bồ hóng, những đống vỏ hộp, sau những bức tường với đám biển hiệu phai màu, khung những chiếc ghế rơm thủng ruột, mấy sợi dây thừng dùng được vào mỗi việc tự treo cổ lên từ một thanh xà nhà mục nát.

Từ phần này đến phần kia, thành phố dường như liên tục, đúng luật viễn cận, tự nhân lên kho hình ảnh của nó: nhưng thay vào đó nó không có bề dày, nó chỉ gồm một bộ mặt và một mặt trái, như một tờ giấy, mỗi mặt có một hình vẽ, không thể tách rời nhau cũng không thể nhìn nhau.

Thành phố & Người chết - 3

Không một thành phố nào thiên về hưởng thụ cuộc đời và xa lánh những âu lo như Eusapia. Và để cho cú nhảy từ cuộc sống sang cái chết đỡ đột ngột, cư dân thành phố xây dựng ở dưới lòng đất một thành phố đồng dạng với thành phố của họ. Mọi thi hài đều được sấy khô theo cách nào đó để chỉ còn bộ xương bọc trong lớp da vàng ệnh, sau đó được mang xuống thành phố dưới lòng đất ấy, ở đó họ tiếp tục làm những việc vẫn làm trước kia. Và, trong số những việc đó, những khoảnh khắc vui chơi vô tư lự vẫn chiếm hàng đầu: hầu hết các thi hài ngồi quanh những chiếc bàn đầy ắp thức ăn, được dựng trong tư thế khiêu vũ hoặc chơi kèn trômpét. Nhưng tất cả nghề nghiệp của người sống ở Eusapia cũng đều hiện diện dưới lòng đất, ít nhất là những ngành nghề mà người sống vẫn làm một cách mãn nguyện chứ không bực bõ: người thợ đồng

17

Page 18: Những thành phố vô hình

hồ trong cửa hiệu, giữa mớ đồng hồ ngưng chạy từ lâu, ghé chiếc tai như bằng giấy da vào một chiếc đồng hồ lạc điệu từ thời mồ ma ông nội anh ta; bác thợ cạo dùng chiếc bàn chải khô queo phết bọt cạo râu lên xương hàm chàng kịch sĩ đang cầm kịch bản học vai của mình bằng hai hố mắt trống hoác; một cô gái với cái đầu lâu cười toe toét đang vắt sữa một bộ xương bò cái.

Thật ra, nhiều người sống muốn số mình sau khi chết phải khác thân phận khi còn sống: thành phố những người chết đầy dẫy những thợ săn sừng sỏ, ca sĩ giọng nữ trung, chủ nhà băng, nghệ sĩ vĩ cầm, công tước, gái bao, tướng lĩnh - nhiều gấp bội so với thành phố những người sống trên kia từng có trong thực tế.

Công việc tháp tùng người chết xuống lòng đất và đặt họ vào vị trí mong muốn được giao cho một hội các giáo hữu chuyên đội mũ trùm đầu. Không ai khác ngoài họ được phép bén mảng đến Eusapia, và tất cả những gì người ta biết về nó đều thông qua những người này.

Họ nói rằng những người chết cũng có một hội giáo hữu y như vậy, và hội này không bao giờ không giúp họ một tay; sau khi chết, các giáo hữu trùm đầu ở Eusapia kia sẽ làm cũng một việc như khi còn sống; đồn rằng, một số trong bọn họ dù đã chết nhưng vẫn tiếp tục lên lên xuống xuống. Dù sao đi nữa, thẩm quyền của hội đoàn này ở Eusapia của người sống là rất lớn.

Họ bảo rằng mỗi khi xuống dưới, họ lại thấy vài thứ đã thay đổi ở Eusapia trong lòng đất; những người chết đã đổi mới gì đó trong thành phố của họ, chắc chắn là có suy tính một cách nghiêm túc chứ chẳng phải do ý thích nhất thời. Họ nói, mới năm này qua năm sau, Eusapia của người chết đã thay đổi đến không thể nhận ra. Và, để bắt kịp họ, những người sống cũng muốn làm tất cả những gì mà các giáo hữu trùm đầu kể với họ về những sự mới lạ của người chết. Vậy nên Eusapia của người sống lại đâm ra sao chép bản sao dưới lòng đất của nó.

Họ bảo điều này không phải chỉ gần đây mới bắt đầu: thật ra, chính người chết đã xây dựng Eusapia bên trên, dựa theo thành phố của họ. Họ nói hai thành phố sinh đôi không còn cách nào để biết ai là người sống và ai là kẻ chết.

Thành phố & Bầu trời - 2

Có niềm tin này được truyền từ đời này qua đời khác ở Beersheba: rằng, lơ lửng giữa bầu trời có một Beersheba khác, những đức hạnh và tình cảm cao

18

Page 19: Những thành phố vô hình

quý nhất của thành phố đều ở đấy, và nếu Beersheba trên mặt đất lấy Beersheba thiên giới kia làm khuôn mẫu cho mình thì hai thành phố sẽ là một. Truyền rằng Beersheba thiên giới là một thành phố bằng vàng ròng, khóa bạc và cổng kim cương, nơi nơi đều dát và cẩn ngọc, thành quả của sự nghiên cứu công phu nhất áp dụng cho những vật liệu đắt giá nhất. Trung thành với niềm tin đó, cư dân Beersheba kính trọng tất cả những gì gợi cho họ về thành phố trên trời: họ tích lũy những thứ kim loại và đá quý, họ khước từ những thái quá phù du, họ khai triển những dạng thức bình thản phức hợp.

Những cư dân ấy, họ cũng tin rằng có một Beersheba khác dưới lòng đất, nơi chứa tất cả những gì hèn hạ và bất xứng xảy ra cho họ, và nỗi bận tâm thường trực của họ là làm sao xóa sạch khỏi cái Beersheba hữu hình bất cứ mối liên hệ hay sự giống nhau nào với thành phố song sinh ở dưới thấp của nó. Thay vì mái nhà, họ hình dung rằng thành phố dưới lòng đất chỉ có những thùng rác úp ngược, (…)

19

Page 20: Những thành phố vô hình

8

Từ dưới chân ngai vàng Đại Hãn trải dài một lối đi bằng gốm. Marco Polo, người đưa tin câm lặng, bày ra trên đó những mẫu vật chàng mang về từ chuyến du hành đến những chốn tận cùng đế quốc: một chiếc mũ trụ, một vỏ sò, một trái dừa, một cái quạt. Vị sứ giả sắp xếp các vật này theo một trật tự nhất định trên những tấm gạch màu trắng và đen, thỉnh thoảng lại đổi chỗ chúng bằng vài động tác được trù tính kỹ càng; cố mô tả cho cặp mắt bậc đế vương về những nỗi gian truân của cuộc hành trình, tình trạng của đế quốc, đặc quyền của các chức sắc những vùng xa xôi.

Hốt Tất Liệt là người chơi cờ sắc sảo. Theo những bước của Marco, Ngài quan sát thấy một số vật này hàm ý hoặc loại trừ quan hệ gần gũi với những vật khác và được dời chỗ theo những đường nhất định. Bỏ qua tính đa dạng của các vật thể, Ngài có thể nắm bắt cái hệ thống vốn bố trí vật này trong tương quan với những vật khác trên tấm lát sàn bằng gạch gốm. Ngài nghĩ: “Nếu mỗi thành phố đều giống như một ván cờ, thì một khi ta đã học xong các quy tắc của nó, rốt cuộc ta sẽ sở hữu đế quốc của ta, cho dù ta sẽ không bao giờ biết được tất cả các thành phố chứa đựng trong đế quốc đó”.

Thật ra, Marco viện đến tất cả mớ đồ cổ này chẳng bõ công: chỉ một bàn cờ với những quân cờ là đủ. Đến lượt mình, mỗi quân cờ có thể được gán cho một nghĩa thích hợp: quân mã có thể tượng trưng cho một kỵ sĩ có thật hay một đoàn xe ngựa, một đạo quân đang hành tiến, một tượng đài người cưỡi ngựa; quân hậu có thể là một phu nhân đang từ trên ban công nhìn xuống, một đài phun nước, một nhà thờ với mái vòm nhọn, một cây mộc qua.

Trở về từ sứ mạng sau cùng, Marco Polo thấy Đại hãn đang ngồi bên bàn cờ đợi chàng. Ngài ra dấu bảo chàng trai thành Venezia ngồi diện Ngài và mô tả những thành phố chàng đã viếng thăm mà chỉ sử dụng các quân cờ. Marco không bối rối. Các quân cờ của Đại hãn là những tảng ngà voi to gộc bóng loáng: sắp xếp trên bàn cờ những quân tháp lờ mờ ẩn hiện và những quân mã1

1 ở đây có sự chơi chữ: knight, ngoài nghĩa quân mã trong môn cờ, còn có nghĩa là hiệp sĩ; ND

20

Page 21: Những thành phố vô hình

ám tối, tập hợp những quân tốt thành bầy, vẽ những đại lộ thẳng hay xiên giống những nước đi của quân hậu, Marco tái tạo quang cảnh và không gian những thành phố đen và trắng vào những đêm trăng.

Ngắm nhìn những quang cảnh mang tính thực thể ấy, Đại hãn suy ngẫm về cái trật tự vô hình duy trì các thành phố, về những quy luật buộc những thành phố đó ra đời, lớn dậy và hưng thịnh, thích ứng với bốn mùa, rồi sau suy tàn và đổ nát. Đôi khi Ngài cứ nghĩ mình sắp sửa phát hiện một hệ thống chặt chẽ, hài hòa ẩn dưới những biến dạng và bất hòa vô tận kia, nhưng không một kiểu mẫu nào có thể sánh được với trò chơi cờ. Có lẽ, thay vì cậy vào sự giúp đỡ nghèo nàn của những quân cờ bằng ngà để nặn óc ra những ảo ảnh mà dẫu thế nào cũng sẽ bị lãng quên thì chỉ cần chơi một trò chơi cho đúng luật là đủ, và hãy xem mỗi trạng huống tiếp theo của bàn cờ như một trong vô số những hình thể mà hệ thống các hình thể không ngừng sắp đặt rồi phá hủy.

Giờ đây Hốt Tất Liệt không còn phải sai Marco Polo thực hiện những chuyến du hành xa xôi nữa: Ngài ra lệnh chàng chơi với Ngài những ván cờ không dứt. Tri thức về đế quốc này được che giấu trong cái mẫu hình vẽ nên bằng những nước đi khép góc của quân mã, những nước đi chéo bất ngờ của quân giám mục, những bước ì ạch, thận trọng của quân vua và quân tốt khiêm nhường, những thăng trầm tàn nhẫn của mỗi cuộc chơi.

Đại Hãn cố tập trung vào trò chơi: nhưng giờ đây chính mục đích của trò chơi lại lẩn tránh Ngài. Mỗi ván cờ chấm dứt bằng được hay mất: nhưng được cái gì, mất cái gì? Cái gì là món cược đích thực? Khi chiếu tướng, dưới chân quân vua vừa bị hất đổ bởi bàn tay kẻ thắng, còn lại một ô vuông trắng hay đen. Khi giảm trừ các cuộc chinh phục cho đến khi còn lại cái cốt yếu, Hốt Tất Liệt đi đến một hiệu quả cùng cực: sự chinh phục chung quyết, sự chinh phục mà những kho báu muôn hình dạng của đế quốc chỉ là những vỏ bọc hão huyền. Nó bị giảm trừ đến khi còn trơ lại một vuông gỗ phẳng: hư vô...

Thành phố & Người chết - 4

Argia không giống những thành phố khác ở chỗ, thay vì không khí, nó có đất. Những con đường phủ kín bùn đất, đất sét lèn chặt các căn phòng đến tận trần, trên mỗi cầu thang có một cầu thang khác theo chiều ngược lại, trên mái những căn nhà treo lớp lớp những tầng đá tảng như những bầu trời trĩu mây. Ta không biết liệu cư dân thành phố có thể đi lại trong thành phố bằng cách nới rộng những đường hầm và kẽ hở nơi những rễ cây uốn mình kia không: sự

21

Page 22: Những thành phố vô hình

ẩm ướt tiêu hủy cơ thể người, và họ chẳng có bao nhiêu sức lực; tất cả mọi người chỉ có cách nằm sấp, không cục cựa là hay nhất; đằng nào thì cũng tối.

Từ trên đây, ta chẳng thể thấy gì của Argia; ai đó nói “Nó ở dưới đó,” và ta chỉ có thể tin họ. Nơi này vắng vẻ. Về đêm, áp sát tai xuống đất, đôi khi ta có thể nghe một cánh cửa đóng sầm.

Thành phố & Bầu trời - 3

Những ai đến Thekla chỉ nhìn thấy một phần nhỏ của thành phố sau những hàng rào gỗ ván, những màn chắn bằng vải thô, những giàn giáo, những dụng cụ lỉnh kỉnh bằng kim loại, những đà gỗ treo trên giây thừng hay được đỡ bằng giá cưa, những cái thang, cỗ ngựa kê ván. Nếu hỏi: “Tại sao việc xây dựng Thekla lại kéo dài đến thế?”, cư dân thành phố vẫn không ngừng tay nâng cát, hạ dây chì, đẩy cọ quét vôi trong khi miệng trả lời: “Để việc tàn phá nó không thể bắt đầu”. Và nếu hỏi liệu họ có sợ rằng một khi những giàn giáo bị dỡ đi, thành phố có thể sẽ sụp đổ, tan vỡ thành từng mảnh, họ vội vàng nói thêm, bằng giọng thì thầm: “Không chỉ thành phố”.

Nếu ai đó chưa thỏa mãn với câu trả lời và nhìn lên một vết nứt nơi hàng rào, y sẽ thấy những cần cẩu kéo những cần cẩu khác, những giàn giáo ôm lấy những giàn giáo khác, những thanh dầm đỡ những thanh dầm khác. “Công trình xây dựng của các người có ý nghĩa gì?” - y hỏi. “Mục đích của một thành phố đang xây dựng là gì trừ phi nó là một thành phố? Các người đang theo đồ án nào, bản thiết kế nào?”

“Chúng tôi sẽ cho anh xem ngay khi ngày dứt; chúng tôi không thể gián đoạn công việc lúc này,” họ đáp.

Công việc ngừng khi mặt trời lặn. Bóng đêm phủ xuống công trường. Bầu trời đầy sao. “Bản thiết kế đó,” họ nói.

Những thành phố ẩn - 1

ở Olinda, nếu cầm kính lúp ra ngoài trời và săn tìm cẩn thận, ta có thể thấy ở nơi nào đó một điểm không lớn hơn đầu đinh ghim, một điểm mà, nếu dùng kính lúp phóng to lên chút ít, ta sẽ thấy bên trong nó những mái nhà, cột ăng

22

Page 23: Những thành phố vô hình

ten, cửa sổ trên mái, vườn tược, hồ bơi, những băng rôn treo dọc các con đường, những ki ốt trên quảng trường, đường đua ngựa. Điểm ấy không dừng lại ở đó: một năm sau, ta sẽ thấy nó to bằng nửa trái chanh, sau đó bằng cây nấm, rồi đĩa súp. Thế rồi nó trở thành một thành phố với kích thước thật nằm trong thành phố trước kia: một thành phố mới đang bung về phía trước bên trong thành phố trước kia và nống ra ngoài.

Nhất định Olinda không phải là thành phố duy nhất phát triển trong những đường tròn đồng tâm, như những thân cây mỗi năm lại thêm một vòng. Nhưng ở những thành phố khác, nơi trung tâm vẫn còn đó vành đai hẹp các bức tường mà từ đó mọc những dây leo khô héo, những ngọn tháp, mái nhà lợp ngói, những mái vòm, trong khi những khu phố mới bò quanh những khu phố cũ như cái đai lưng lỏng lẻo. Olinda thì không: những bức tường cũ mở rộng mang theo những khu phố cũ, những khu phố cũ được phóng to nhưng vẫn giữ nguyên tỷ lệ và một chân trời rộng hơn ở bên rìa thành phố; chúng bao quanh những khu phố mới hơn đôi chút cũng phát triển ở bên rìa và trở nên mỏng hơn để chừa chỗ cho những khu phố còn mới hơn nống ra từ bên trong; và cứ như vậy, lần lượt đến tận trung tâm thành phố, một Olinda hoàn toàn mới, mà trong kích thước thu nhỏ kia vẫn giữ nguyên những tính chất và dòng nhựa sống của Olinda đầu tiên và của tất cả các Olinda đã nở ra cái này từ trong cái khác; và bên trong vòng ở trong cùng của nó - tuy điều này khó nhận ra - luôn luôn một Olinda kế tiếp đang nẩy nở và những Olinda sẽ lớn lên sau nó.

23

Page 24: Những thành phố vô hình

Thế rồi Marco Polo nói: “Bàn cờ của Ngài, thưa Đại hãn, được khảm hai loại gỗ: gỗ mun và gỗ thích. Ô vuông mà cái nhìn anh minh của Ngài đang chú mục vào kia được xẻ từ một vòng cây đã mọc vào một năm hạn hán. Ngài có thấy cách sắp xếp các thớ gỗ của nó không? Đây, ta thấy rõ một cái gì gợi cho ta về một mắt gỗ: một chồi non cố sức nảy ra vào một ngày xuân sớm, nhưng sương giá ban đêm đã buộc nó phải ngừng lại.”

Chỉ đến khi đó Đại hãn mới nhận ra người ngoại quốc này biết cách diễn đạt ý mình lưu loát đến nhường nào bằng ngôn ngữ của Ngài, nhưng Ngài sửng sốt không phải vì sự lưu loát đó.

“Đây là một lỗ dày hơn; có lẽ nó là một cái tổ ấu trùng; không phải là mọt cây, bởi một khi mọt cây ra đời, nó sẽ bắt đầu đào bới, mà đây là một con sâu gặm lá, ấy cũng là lý do vì sao người ta chọn cây này để đốn hạ... Cạnh này đã bị người thợ gỗ dùng đục khắc rãnh để có thể ráp vào ô vuông kế tiếp, có cạnh nhô ra...

Trong một mẩu gỗ nhỏ nhẵn nhụi và trống rỗng có thể đọc được nhiều thứ đến nỗi làm choáng ngợp Hốt Tất Liệt; Polo đã chuyển sang nói về những khu rừng mun, về những chiếc bè chất nặng gỗ xuôi dòng sông, về những bến tàu, về những phụ nữ bên cửa sổ...

24

Page 25: Những thành phố vô hình

9

Những thành phố ẩn - 2

ở Raissa, cuộc sống không hạnh phúc. Người ta vừa đi ngoài phố vừa vò đầu bứt tai, người ta chửi rủa bọn trẻ con đang la hét, cúi người trên rào chắn ven bờ sông và ghì chặt nắm tay vào tường các ngôi đền. Buổi sáng, ta thức dậy từ một giấc mơ nặng nề và lại bắt đầu một giấc mơ nặng nề khác. Nơi chiếc bàn thợ máy mà bất cứ lúc nào ta cũng có thể nện búa hay chọc nhầm kim vào ngón tay, hay trên những cột số liệu trong sổ sách của nhà buôn hay chủ ngân hàng mà số nào số nấy đều không như ý, hay nơi những hàng cốc rỗng trên chiếc quầy bằng kẽm trong quán rượu, những cái đầu cúi thấp ít ra cũng che giấu những cái nhìn khắc nghiệt mà ai ai cũng có. Bên trong những căn nhà còn tồi tệ hơn, và ta không cần phải vào nhà cũng biết được điều đó: vào mùa hè, các cửa sổ vang dội tiếng cãi cọ và bát đĩa vỡ.

Thế nhưng, ở Raissa, bất cứ khoảnh khắc nào cũng có một đứa trẻ nơi cửa sổ cười ngặt nghẽo khi thấy một con chó nhảy lên một cái sàn xây cao để táp một mẩu cháo ngô mà một người thợ xây đá làm rơi vãi, người này đang la lên từ trên nóc giàn giáo “Em yêu, cho anh miếng nào!” với cô hầu trẻ dưới giàn dây leo đang rất hạnh phúc trao một đĩa ragu cho người thợ làm ô đang ăn mừng một vụ mua bán thành công, một chiếc ô trắng mà một bà quý phái mua để diện đến trường đua ngựa, bà này đem lòng yêu một chàng sĩ quan đã mỉm cười với bà trong khi cùng ngựa làm cú nhảy sau cùng, một chàng trai hạnh phúc, và con ngựa của chàng còn hạnh phúc hơn bởi, trong khi bay qua những chướng ngại, chú thấy một con gà gô bay trên bầu trời, chú gà hạnh phúc vì được thả khỏi lồng bởi một chàng họa sĩ đang hạnh phúc vì đã vẽ được chú gà đó, từng chiếc lông lốm đốm đỏ vàng để minh họa cho một cuốn sách ngay ở trang nơi nhà hiền triết nói: “Cũng tại Raissa, thành phố của nỗi buồn, có một sợi dây vô hình nối kết sinh vật này với sinh vật khác trong khoảnh khắc, sau đó gỡ ra, rồi lại kéo căng lần nữa giữa những điểm di động, vẽ nên những mẫu hình mới mẻ và khoái hoạt sao cho trong mỗi giây, thành phố bất hạnh hàm chứa một thành phố hạnh phúc không hay biết về sự tồn tại của chính nó.”

25

Page 26: Những thành phố vô hình

Thành phố & Bầu trời - 5

Andria được xây dựng khéo đến nỗi mỗi con đường của nó đều nương theo quỹ đạo của một hành tinh, các toà nhà và nơi công cộng thì rập theo trật tự các chòm sao và vị trí những vì sao sáng nhất: Antares, Alpheratz, Capricorn, Cepheids. Lịch của thành phố được tính toán chi li sao cho mọi công việc, mọi văn phòng, mọi cuộc hội hè đều được bố trí trong một bản đồ tương ứng với bầu trời trong ngày đó; và như vậy các ngày trên mặt đất và các đêm trên bầu trời phản ánh lẫn nhau.

Dù phải vào khuôn phép vô cùng nghiêm ngặt, cuộc sống của thành phố trôi đi êm ả như vận động của các thiên thể và có được tính tất yếu của hiện tượng vốn không tùy thuộc vào tính đồng bóng của con người. Ca ngợi những công dân của Andria về sự cần cù năng sản và sự thanh thản về tinh thần của họ, tôi buộc lòng phải nói: tôi có thể hiểu rõ làm thế nào các vị cảm thấy mình là bộ phận của một cõi trời bất chuyển, là những bánh răng trong một chiếc đồng hồ kỳ khu, và cố sao không gây ra một thay đổi nào dù nhỏ nhất trong thành phố và trong các thói quen của quý vị.

Andria là thành phố duy nhất tôi biết mà ở đó điều tốt nhất là bất động trong thời gian.

Họ nhìn nhau chết lặng. “Sao kia? Ai lại nói thế cơ chứ ?” Và họ dẫn tôi đi thăm một con đường treo vừa mới mở trên một lùm tre, một nhà hát rối bóng đang xây ở vị trí khu ổ chuột của thành phố mà nay đã chuyển đến những tòa nhà trước kia là trại hủi, trại hủi này đã bị phá hủy sau khi những nạn nhân của trận dịch cuối cùng đã được chữa khỏi, và - tất cả đều mới khánh thành: một cảng sông, một bức tượng Thales, một đường xe trượt.

“Những đổi mới này không làm xáo trộn nhịp điệu thiên thể của thành phố sao?” - tôi hỏi.

Họ đáp: “Thành phố chúng tôi và bầu trời tương ứng với nhau hoàn hảo đến mức mọi thay đổi ở Andria đều dẫn đến vài sự mới lạ giữa các vì sao.” Mỗi khi có một thay đổi diễn ra ở Andria, các nhà thiên văn lại hướng ống kính lên bầu trời và tường thuật một vụ nổ siêu tân tinh, một điểm xa tít trên bầu trời chuyển từ màu cam sang màu vàng, sự bành trướng của một tinh vân, hay một đường xoáy của dải Ngân hà chuyển hướng. Mỗi thay đổi đều đưa đến một loạt thay đổi khác, ở Andria cũng như giữa các vì sao: thành phố và bầu trời không bao giờ mãi là một.

26

Page 27: Những thành phố vô hình

Về tính cách của cư dân Andria, có hai đức tính đáng kể: tự tin và cẩn trọng. Tin chắc rằng mọi đổi mới trong thành phố đều ảnh hưởng đến mô hình của bầu trời, nên mỗi khi quyết định điều gì, họ luôn tính toán mọi điều lợi hại cho chính họ, cho thành phố và cho mọi thế giới.

Những thành phố liên tục - 4

Ngài trách tôi vì mỗi câu chuyện của tôi đều dẫn Ngài vào ngay trung tâm thành phố mà không cho Ngài biết về khoảng không gian trải ra giữa thành phố này và thành phố nọ, khoảng không ấy là biển cả, là đồng lúa mạch, rừng thông hay đầm lầy. Tôi sẽ trả lời Ngài bằng một câu chuyện.

Trên đường phố Cecilia, một thành phố nổi danh, có lần tôi gặp một gã chăn dê đang dắt bầy dê đeo chuông leng keng đi dọc những bức tường.

“Kẻ được Chúa trời ban phúc kia ơi,” gã dừng lại hỏi tôi, “ngài làm ơn cho biết tên thành phố đây là gì?”

“Thánh thần phù hộ anh!”, tôi kêu lên. “Làm thế nào anh không nhận ra được thành phố Cecilia lừng tiếng này?”

“Thứ lỗi cho tôi,” người đó đáp. “Tôi là người chăn gia súc lang thang. Đôi khi tôi cùng bầy dê phải băng qua các thành phố; nhưng chúng tôi không thể phân biệt thành phố nào với thành phố nào. Cứ hỏi tên những vùng đất chăn thả gia súc, tôi biết cả: Đồng cỏ nằm giữa hai Vách đá, Dốc núi xanh, Bãi cỏ râm. Với tôi, các thành phố không có tên: chúng là những nơi không có lá cây chia cắt bãi chăn này với bãi chăn kia, nơi bầy dê của tôi hoảng sợ nơi những góc đường và chạy tứ tán. Tôi và con chó phải chạy để giữ bầy”.

“Ta ngược lại với anh,” tôi nói. “Ta chỉ nhận ra các thành phố và không thể phân biệt những gì bên ngoài chúng. Trong mắt ta, tại những nơi không người ở, từng tảng đá hay bụi cỏ này cứ trộn lẫn vào tảng đá và bụi cỏ kia”.

Nhiều năm đã trôi qua từ đó; tôi đã biết thêm nhiều thành phố, băng qua nhiều lục địa. Một hôm, đang đi bộ giữa những dãy nhà giống hệt nhau, tôi bị lạc. Tôi hỏi một người qua đường: “Cầu mong các đấng bất tử phù hộ cho ông, xin làm ơn cho biết, chúng ta đang ở đâu?”

“Tiếc thay, ở Cecilia!”, ông ta đáp. “Đã bao nhiêu năm nay, tôi với lũ dê lang thang khắp những con đường của nó mà vẫn chưa tìm được lối ra...”

27

Page 28: Những thành phố vô hình

Tôi nhận ra ông ta, dù ông có bộ râu dài trắng; đó chính là gã chăn gia súc thuở xưa. Theo sau ông ta chỉ còn dăm con dê xơ xác, bẩn thỉu, thậm chí không còn bốc mùi khó ngửi bởi chỉ còn da bọc xương. Chúng đang gặp giấy loại trong thùng rác.

“Không thể thế được!”, Tôi la lên. “Tôi cũng vậy, tôi không nhớ nổi mình đã vào thành phố từ khi nào, và từ đó tôi cứ dấn bước ngày càng sâu vào những đường phố của nó. Nhưng làm cách nào mà hóa ra tôi đã đến nơi ông nói, đến Cecilia, trong khi tôi đang ở một thành phố khác xa, rất xa Cecilia và vẫn chưa ra khỏi đó?”

“Nơi này với chốn kia đã trộn lẫn vào nhau,” người chăn gia súc nói. “Cecilia ở khắp nơi. Ngày xưa, ắt hẳn nơi đây từng là Đồng cỏ Cây ngải thấp. Lũ dê của tôi nhận ra bãi cỏ trên đảo phân cách nơi ngã tư.”

Những thành phố ẩn - 3

Một mụ thầy bói, khi được hỏi về số phận của Marozia, đã nói: “Tôi thấy hai thành phố: một của chuột, một của én”.

Lời tiên tri được diễn giải như sau: ngày nay Marozia là một thành phố nơi tất cả mọi người lăng xăng qua lại những lối đi xám xịt như những đàn chuột xé từ răng nhau những mẩu đầu thừa đuôi thẹo rớt ra từ răng của những con phàm ăn nhất; nhưng một thế kỷ mới sắp bắt đầu khi mọi cư dân Marozia sẽ bay như chim én trên bầu trời mùa hè, gọi nhau ríu rít như trong một cuộc chơi, phô diễn trò giữ đôi cánh bất động mà đâm bổ xuống, quét sạch ruồi và muỗi khỏi không gian.

“Đó là lúc cáo chung thế kỷ của chuột và khởi đầu thế kỷ của én,” những kẻ xác quyết hơn nói. Thật ra, ngay trong lãnh địa tàn nhẫn và nhỏ nhen của loài chuột, ta đã có thể cảm thấy, ở những người ít rành mạch hơn đã có một sự cân nhắc, sự chuẩn bị cho một chuyến bay như én, lao về phía không trung trong vắt bằng một cú vỗ đuôi điệu nghệ, rồi giang cánh lần theo đường cong của một chân trời mới mở.

Nhiều năm sau tôi trở lại Marozia; trong một thời gian lời tiên tri của mụ thầy nói được coi là đã thành sự thật; thế kỷ cũ đã chết và được chôn cất; thế kỷ mới đang vào lúc đỉnh cao. Thành phố hiển nhiên đã thay đổi, có lẽ theo

28

Page 29: Những thành phố vô hình

hướng tốt hơn. Nhưng những đôi cánh di chuyển lại qua trước mắt tôi là cánh của những chiếc ô đáng ngờ mà bên dưới chúng những mí mắt nặng nề sụp xuống; có những người đinh ninh họ đang bay, kỳ thực họ chỉ nhấc lên được mặt đất nhờ vỗ vỗ chiếc áo bành tô tựa như cánh dơi.

Cũng có chuyện này nữa: khi đi dọc theo những bức tường ken chặt của Marozia, vào một lúc bất ngờ nhất, bạn sẽ nghe rắc một cái, và một thành phố khác mở ra trước mắt bạn. Rồi, chỉ thoáng sau, nó đã tan biến. Có lẽ mọi thứ nằm ở việc biết nói những từ gì, làm những hành động gì, trong thứ tự nào và nhịp điệu nào; hoặc cái nhìn, lời đáp, cử chỉ của một ai khác là đủ; đủ đối với kẻ làm một việc gì đó chỉ vì niềm vui khi làm việc đó; và vì niềm vui rằng mình trở thành niềm vui cho người khác: trong khoảnh khắc đó, mọi không gian thay đổi, mọi chiều cao, khoảng cách; thành phố thay hình đổi dạng, trở nên tinh khôi, trong suốt tựa cánh chuồn. Nhưng mọi chuyện phải xảy ra như thể ngẫu nhiên, đừng quá coi trọng nó; người ta không nhất thiết phải làm một việc dứt khoát nào đó, họ luôn nhớ rõ rằng bất cứ lúc nào Marozia cũ cũng sẽ quay lại, hàn gắn những trần nhà bằng đá, những mạng nhện của nó, và đúc khuôn trên mọi cái đầu.

Nhà tiên tri có lầm chăng? Không hẳn. Tôi diễn dịch lời tiên tri theo cách này: Marozia bao gồm hai thành phố, một của chuột và một của én; cả hai thay đổi theo thời gian, nhưng quan hệ giữa chúng không thay đổi; thành phố thứ hai luôn sắp tự bứt mình khỏi thành phố thứ nhất.

29

Page 30: Những thành phố vô hình

... Cuốn atlas của Đại Hãn cũng bao gồm bản đồ của những vùng đất hứa từng đuợc viếng thăm trong ý nghĩ nhưng chưa được khám phá hoặc chưa tìm thấy: New Atlantis, Utopia, Thành phố Mặt trời, Oceana, Tamoé, Hài hòa Mới, Lanark Mới, Icaria.

Hốt Tất Liệt hỏi Marco: “Ngươi, kẻ từng thám hiểm đó đây, mắt nhìn thấy những dấu hiệu, ngươi có thể cho ta biết gió lành đang đưa ta đến đâu trong số những tương lai này.”

“Với những bến cảng ấy, tôi không thể vạch đường trên bản đồ hay định ngày cập bến. Đôi khi, tất cả những gì tôi cần là một thoáng nhìn ngắn ngủi, một lối mở ra giữa một khung cảnh gồ ghề, một ánh lập lòe trong sương, cuộc trò chuyện của hai khách bộ hành gặp nhau giữa đám đông, và tôi nghĩ rằng, khởi đi từ đó, tôi sẽ gom góp lại, từng mảnh một, toàn bộ thành phố, tạo nên từ những mảnh vỡ trộn lẫn với những gì còn lại, từ những khoảnh khắc chia cách nhau bằng những khoảng lặng, từ những dấu hiệu người ta gửi đi mà không biết ai là người nhận chúng. Nếu tôi nói với Ngài rằng thành phố mà bước lữ hành của tôi dẫn tới là không liên tục trong không gian và thời gian, khi tản mác, lúc cô đặc hơn, Ngài không được tin rằng cuộc tìm kiếm nó có thể dừng. Có thể là trong khi ta nói, nó đang mọc lên, rải rác, bên trong biên cương đế quốc của Ngài; Ngài có thể săn đuổi nó, nhưng chỉ theo cách mà tôi đã nói.”

Bấy giờ Đại Hãn đang lần dở những trang trong cuốn atlas của Ngài, xem qua bản đồ những thành phố đe dọa trong những cơn ác mộng, những lời nguyền: Enoch, Babylong, Yahooland, Butua, Brave New World.

Ngài nói: “Thật hoàn toàn vô ích, nếu nơi cập bến cuối cùng chỉ có thể là thành phố hỏa ngục, và chính ở đó, dòng chảy đang cuốn ta vào những vòng tròn ngày mỗi hẹp.”

Và Polo nói: “Hỏa ngục của người sống chẳng phải là một cái gì sẽ có; nếu có một hỏa ngục, nó là cái hiện đang có đây, cái hỏa ngục ta sống hằng ngày, hỏa ngục mà chúng ta tạo thành bằng cách ở cùng nhau. Có hai cách thoát khỏi tình cảnh hỏa ngục. Cách đầu dễ đối với nhiều người: chấp nhận hỏa ngục và trở thành một phần của nó, sao cho không còn nhìn thấy nó. Cách thứ hai nhiều rủi ro, đòi hỏi không ngừng cảnh giác và mẫn tuệ: tìm và học cách nhận ra: những ai và những gì, ngay trong lòng hỏa ngục, vẫn không là hỏa ngục, rồi, làm sao cho họ sống còn, dành chỗ cho họ”.

30