Bí mật gia đình

13
1 TÀI LIỆU THAM KHẢO CỦA TRUNG TÂM N-T BÍ MẬT GIA ĐÌNH Nguyên tác: Guy Ausloo – “Secrets de Famille”, Nguồn: http://www.systemique.org/idres/index.htm Bàn về chuyện xưa Trước đây, tôi đã trình bày một bài báo cáo chưa hoàn hảo lắm với tựa đề: Oedipe và Gia đình – Những bí mật được tạo ra để vận dụng. Khi đào sâu về vấn đề này, tôi nhận thấy rằng nếu không có những bí mật thì huyền thoại Oedipe cũng không còn nữa. Vậy đó là những bí mật gì? “Trước khi Oedipe sinh ra, cha của Oedipe là Laios, lúc đó đang lưu vong, đã bắt cóc Chrysippe, con của Pélops, người đang tiếp nhận ông lúc bấy giờ. Laios đã phạm đến hai lỗi: đã vi phạm luật lệ thiêng liêng về ân nghĩa đối với người đã tiếp đón mình và có một mối quan hệ bị cấm kỵ (quan hệ đồng tính với Chrysippe, một thiếu niên). Chrysippe đã tự vẫn và vì thế mà Pélops đã đưa ra một lời nguyền trên đứa con sắp sinh của Laios, lời nguyền mà Héra tiếp nối sau này. Tuy nhiên, điều đó đã được giữ kín: đó chính là cái bí mật đầu tiên. Đến khi Oedipe được sinh ra, không ai biết đến lời nguyền này và hình như không ai

Transcript of Bí mật gia đình

1

TÀI LIỆU THAM KHẢO CỦA TRUNG TÂM N-T

BÍ MẬT GIA ĐÌNH

Nguyên tác: Guy Ausloo – “Secrets de Famille”,

Nguồn: http://www.systemique.org/idres/index.htm

Bàn về chuyện xưa

Trước đây, tôi đã trình bày một bài báo cáo chưa hoàn hảo lắm với tựa đề: Oedipe và Gia

đình – Những bí mật được tạo ra để vận dụng. Khi đào sâu về vấn đề này, tôi nhận thấy rằng

nếu không có những bí mật thì huyền thoại Oedipe cũng không còn nữa. Vậy đó là những bí

mật gì?

“Trước khi Oedipe sinh ra, cha của Oedipe là Laios, lúc đó đang lưu vong, đã bắt cóc

Chrysippe, con của Pélops, người đang tiếp nhận ông lúc bấy giờ. Laios đã phạm đến hai lỗi:

đã vi phạm luật lệ thiêng liêng về ân nghĩa đối với người đã tiếp đón mình và có một mối

quan hệ bị cấm kỵ (quan hệ đồng tính với Chrysippe, một thiếu niên). Chrysippe đã tự vẫn

và vì thế mà Pélops đã đưa ra một lời nguyền trên đứa con sắp sinh của Laios, lời nguyền

mà Héra tiếp nối sau này. Tuy nhiên, điều đó đã được giữ kín: đó chính là cái bí mật đầu

tiên. Đến khi Oedipe được sinh ra, không ai biết đến lời nguyền này và hình như không ai

2

biết cả sự ra đời của ông: bí mật thứ hai. Thay vì vất bỏ đứa bé, người đầy tớ đã giao nó cho

những người chăn cừu và không hề nói với ai về hành động này: bí mật thứ ba. Khi vua

thành Corinthe là Polybe nhận nuôi đứa trẻ, ông đã làm cho nó tin rằng ông là cha nó và

xem nó như con ruột: bí mật thứ tư. Và sau cùng, khi Oedipe hỏi ý kiến thần tiên tri của

Appolon, ông hoàn toàn không nói gì về những điều bí mật đã được tiết lộ với ông và đã ra

đi theo định mệnh của mình, không một lời giải thích: bí mật thứ năm. Những bí mật đã

được an bài: Bi kịch có thể bắt đầu!

Bí mật đầu tiên làm cho những nhà tâm lý trị liệu chúng ta đặc biệt quan tâm. Thật vậy, ta

thấy rằng lỗi lầm của người cha đã gây nên một lời nguyền trên con trai mình mà bản thân

nó đã không biết. Trong trường hợp dòng họ Labdacos của Laios, ta thấy rằng sự khốn khổ

không chấm dứt với hình phạt dành cho Oedipe, vì đến lượt ông cũng sẽ đưa ra những lời

nguyền trên chính những đứa con trai của mình.

Tiếp tục lý giải câu chuyện huyền thoại, ta thấy rằng hai điều lầm lỗi trên, một là sự vi phạm

luật lệ và một là sự quan hệ bất chính, sẽ gây ra một hậu quả là hình phạt xã hội với sự xuất

hiện của con nhân sư (Sphynx) ở ngay cửa thành Thèbes và một hình phạt cá nhân trên hậu

thế. Chàng thiếu niên Oedipe phải trả giá cho lỗi lầm của cha mình (vừa phải diệt con nhân

sư vừa phải thực hiện lời nguyền). Nhưng cùng lúc lại tiếp nối lỗi lầm đó, bởi một sự vi

phạm mới là việc giết cha mình cùng một mối quan hệ bất chính khác là loạn luân vói mẹ.

Một lần nữa, những lỗi lầm đó lại lôi cuốn theo một hình phạt xã hội (nạn dịch ở Thèbes) và

một hình phạt cá nhân (hoàng hậu Jocaste tự vẫn và Oedipe tự đâm mù mắt mình). Ta tìm

thấy trong huyền thoại cái ý niệm mà Murray Bowen và Boszormenyi-Nagy đã đưa ra về

“sự tiếp nối xuyên thế hệ” của một lỗi lầm và sự nguyền rủa hoặc mặc cảm tội lỗi mà nó gây

nên. Nhưng huyền thoại lại càng biểu hiện rõ rằng hơn nữa khái niệm “đại diện” của

Stierlin.

Theo Stierlin, trước khi đạt đến tuổi trưởng thành, người thiếu niên có thể được hệ thống

gia đình cử làm “đại diện” để thực hiện một nhiệm vụ. Sự đại diện này, cùng với nội dung

của nhiệm vụ và cách thức thực hiện nó thay đổi tùy theo lịch sử gia đình. Nếu sự đại diện

(hoặc “ủy quyền”) này không được thực hiện, người thiếu niên sẽ bị ràng buộc với hệ thống

gia đình bởi những món nợ chưa trả được, làm cho cậu ta không thể rời bỏ được gia đình

gốc của mình để có thể tự lập. Do đó sẽ phát sinh các rối loạn tâm lý hoặc hành vi (phạm

pháp, nghiện ngập...) hoặc bị bệnh (bệnh tâm thể chẳng hạn).

Trong huyền thoại, chính trong lứa tuổi thiếu niên, Oedipe đã giết cha và giải thoát thành

Thèbes khỏi con quái vật Sphynx. Như vậy, “người đại diện” này đã làm xong nhiệm vụ của

mình và có thể sống một cuộc sống an nhàn nếu trong khi thực hiện nhiệm vụ này đã không

kéo theo những thảm họa mới (giết cha và lấy mẹ). Trong đoạn đầu vở bi kịch của mình,

Eschyle đã mô tả một Oedipe ở đỉnh cao của sự quyền uy và thành công, trong khi lại chưa

biết những nghiệp chướng mà mình đã gây ra. Theo giả thuyết mà tôi muốn trình bày, sự

3

“đại diện” này không được truyền lại một cách trực tiếp, có ý thức và qua những lời nói

minh bạch; mà ngược lại, nó được truyền lại một cách gián tiếp, vô thức và qua sự bí mật.

Sự ra đời của Oedipe được giữ kín. Không ai biết được Laios đã có một đứa con trai và hơn

nữa, đứa con trai đó đã giết cha và lấy mẹ. Về phần mình, Oedipe không biết rằng mình

không phải là con của vua thành Corinthe. Tại Delphes, khi thần tiên tri đã tiết lộ cho ông

biết lời nguyền mà ông là nạn nhân, chính vì không biết gì về hai điều bí mật này mà ông đã

trốn khỏi Corinthe. Chính vì những lời tiên tri đã tiết lộ quá ít hoặc quá nhiều về những lời

nguyền mà không đề cập đến nguồn gốc của nó đã khiến cho Oedipe đi theo định mệnh của

mình mà vẫn tin rằng mình có thể trốn tránh được nó.

Không có bí mật thì không có bi kịch, mà cũng chẳng có huyền thoại nữa. Điều đã đưa

Oedipe đến thành Thèbes không phải là một thông tin trực tiếp, rõ ràng, mà ngược lại, đó là

một lời tiên tri rất mơ hồ, chỉ nói đủ để người thiếu niên đi theo vận mệnh của mình cho

đến cùng. Nhưng không phải ai cũng là Oedipe và không phải tất cả các gia đình đều có vấn

đề với thần thánh. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng tất cả các gia đình đều có những bí mật của

mình và những điều đó có một tầm quan trọng đáng kể trên phong cách sống của gia đình

và những bệnh lý mà phong cách đó có thể gây ra.

BÀN VỀ BÍ MẬT

Bí mật là gì?

Bí mật là một thông tin không được truyền lại một cách công khai và cố tình giấu kín về nội

dung, không cho người khác biết một cách có ý thức thông qua các giao tiếp ngôn ngữ hoặc

phi ngôn ngữ. Định nghĩa này cho phép tôi phân biệt giữa “bí mật” và “điều không được nói

ra”, vì “điều không được nói ra” chỉ không được truyền thông bằng lời nói, nhưng vẫn có thể

truyền lại dưới dạng phi ngôn ngữ. Thí dụ: Cha mẹ nuôi có thể giấu kín đứa con nuôi của

mình về nguồn gốc của nó bằng cách không tiết lộ bất cứ yếu tố nào có thể giúp nó phát

hiện ra sự thật. Họ có thể nói dối để giữ kín hơn bí mật đó. Nhưng trong trường hợp bố mẹ

có sự bất đồng ý kiến với cô giáo, mặc dù họ không nói ra, họ vẫn có thể có những hành vi

khuyến khích đứa con không vâng lời cô giáo. Đây chính là những “điều không được nói ra”.

Tuy nhiên, ta cũng lưu ý là không phải bất cứ điều gì không được truyền lại cũng là những

bí mật. Bí mật là kết quả của sự cố ý không muốn truyền lại. Vì thế, có rất nhiều điều khi

giấu diếm có thể làm cho cuộc sống của ta thi vị hơn thì không thể gọi là bí mật được. Ví dụ

như khi đứa trẻ làm nhiều cách để giấu cha mẹ về món quà sinh nhật mà nó dành để tặng

cho họ.

Bí mật có thể là điều mà một người chưa bao giờ đề cập đến với những thành viên trong gia

đình giống như trong trường hợp một nhà kinh doanh thành đạt chưa bao giờ kể cho vợ

con mình biết trước đây ông đã bị tù mấy năm. Một bí mật có thể được chia sẻ với một hoặc

4

nhiều thành viên trong gia đình như trong trường hợp của một cặp cha mẹ nuôi. Đó là một

món quà, nhưng là một món quà có thể trở thành độc hại cho những người chia sẻ nó.

Còn về những bí mật đã được tiết lộ thì sao? Đó là những bí mật đã bị “bật mí”. Nó không

còn là những bí mật thật sự nữa, mà chỉ còn là những “điều không được nói ra”, những đề

tài không được nêu lên, không được phép đề cập đến, vì một khi bí mật đã được biết đến thì

dĩ nhiên nó không còn là bí mật nữa. Như trong trường hợp một ông cụ nọ bị thua một ít

tiền cá cược, mọi người đều biết nhưng chỉ đưa ra giễu cợt khi không có mặt cụ, họ không

bao giờ nói cho ông cụ biết và như vậy chỉ có mình ông cụ là người duy nhất giữ cho mình

cái ảo tưởng đây là một điều bí mật.

Bí mật và mặc cảm tội lỗi

Ta hãy trở lại huyền thoại Oedipe. Nền tảng của huyền thoại và của những bí mật chính là

lời nguyền của Héra. Trong ngôn ngữ của huyền thoại, sự nguyền rủa có thể được xem như

là một mặc cảm tội lỗi khi bị thần thánh áp đặt từ bên ngoài. Thật vậy, khi mà những luật lệ

chưa được ấn định thì chính thần thánh sẽ quy định những điều gì là xấu và những điều gì

không bị xem là xấu.

Trong gia đình của chúng ta thì luật lệ đã được quy định và không cần đến thần thánh để chỉ

cho ta đâu là điều cần làm và điều cần tránh. Người có hành động xấu, vi phạm gia phong sẽ

cảm nhận ngay về những mặc cảm tội lỗi. Và nếu trong huyền thoại, sự nguyền rủa tạo ra bí

mật rồi dẫn đến các bi kịch, thì trong gia đình những mặc cảm tội lỗi sẽ tạo ra các bí mật và

một chuỗi dài những vi phạm các quy tắc từ đó có thể gây ra tâm bệnh.

Mặc cảm tội lỗi là căn nguyên của bí mật. Nó sẽ tồn tại suốt câu chuyện vì chính nó làm cho

bí mật không được tiết lộ. Nói cách khác, tạo nên bí mật là để che giấu mặc cảm tội lỗi và

những món nợ liên quan đến nó. Một lần nữa, tôi lại gặp những luận đề của Nagy khi ông

nhấn mạnh đến những món nợ của sự trung thành được truyền từ đời này sang đời kia

thông qua “quyển sổ ghi công-và-nợ” mà mọi người đều phải thường xuyên cập nhật hóa.

Thông thường khi ta muốn che giấu một hành động, một sự kiện, một biến cố, đó là do có

liên hệ đến một mặc cảm tội lỗi làm cho ta xấu hổ, buồn rầu hoặc cảm thấy không thích lắm

vì nó gợi lại cho chúng ta những kỷ niệm đau đớn. Hoặc vì một lý do nào đó, chúng ta cảm

thấy câu chuyện không được ổn, hoặc có thể do nó vi phạm những nguyên tắc, luật lệ... Và

đó chính là những lý do để khởi đầu cho việc hình thành những bí mật.

Sự hình thành những bí mật

Một bí mật được hình thành khi một luật lệ (công khai hoặc không công khai) đã bị vi phạm

hoặc có nguy cơ bị vi phạm. Theo định nghĩa này, luật lệ được hiểu là “một nhiệm vụ bắt

buộc” (Theo Tự điển Litré) bởi chính quy định đó hay là do một người khác. Ví dụ: một ông

bố trong gia đình hầu như không bao giờ nhắc đến việc học hành bê bối của mình lúc nhỏ;

5

hoặc bố mẹ cùng hai con trai lớn trong một gia đình nọ quyết định sẽ không bao giờ đả

động đến chuyện người chị lớn phải có lần nhập viện do dự định tự sát bất thành; hoặc

trường hợp một gia đình khác, những người lớn không bao giờ nói chuyện trước mặt trẻ

con về việc một ông chú trước đây đã đi lính lê dương, vv...

Những luật lệ thường mang tính đạo đức cá nhân. Một người cha có thể vi phạm luật giao

thông, hoặc giải thích cho con biết mình gian lận thuế như thế nào, thậm chí còn có thể xui

giục con ăn cắp trong siêu thị, nhưng lại không bao giờ nói đến những lý do vì sao dẫn đến

việc ly dị trong hôn nhân lần thứ nhất của mình.

Sự kiện có khi không nhất thiết có liên quan đến người tạo ra bí mật. Một phụ nữ có cha mẹ

ly hôn sẽ tìm mọi cách để không nhắc đến chuyện này trước mặt con cái mình. Một số

chuyện khác trong gia đình cũng không được nhắc đến ví dụ việc ông ngoại tự sát hoặc một

bà cô kết thúc cuộc đời trong bệnh viện tâm thần vv... Những ví dụ này giúp ta hiểu được sự

việc là khi nêu lên những vết thương tiềm ẩn mang tính ái kỷ sẽ có thể gây nên một sự hạ

thấp giá trị hoặc đụng chạm đến hình ảnh bản thân nếu bí mật được tiết lộ: ví dụ “là con của

một cặp vợ chồng ly dị”, “là cháu ngoại một người đã tự sát” hoặc là “cháu của một người

điên”... Sự mất phẩm giá, không phải là của cá nhân mà là của cả gia đình, sẽ làm sứt mẻ

hình ảnh của gia đình mà người ta muốn truyền lại. Tôi sẽ phát triển điểm này khi đề cập

đến mối liên hệ giữa bí mật và huyền thoại gia đình.

Có thể bổ sung thêm là: Một bí mật được hình thành khi một luật lệ thường mang tính đạo

đức (công khai hoặc tiềm ẩn) bị vi phạm hoặc có nguy cơ bị vi phạm, mà sự vi phạm luật lệ

đó dẫn đến hậu quả là làm sứt mẻ hình ảnh của bản thân cá nhân hoặc của gia đình.

NHỮNG BÍ MẬT CHE GIẤU ĐIỀU GÌ?

Sự hiện hữu của bí mật không cần phải bàn nữa. Ngược lại, do chính bản chất của nó, những

bí mật khó có thể được phân tích và vì thế, nó nằm ở phần dưới của cái “hộp đen” của gia

đình. Ở đây, tôi muốn nêu bật lên những hệ quả về ý nghĩa và những hậu quả mang tính

chất hệ thống và sự hình thành những bí mật.

Bí mật và sự hiểu biết

Tạo ra một bí mật tức là tạo ra một sự hiểu biết được xem là “không thể truyền lại được” và

được giữ kín đối với người khác. Người giữ bí mật biết rằng người khác không biết được, và

việc tiết lộ hay không là tùy vào ý muốn của người nắm giữ. Tuy nhiên, có một quan hệ biện

chứng giữa người nắm giữ bí mật và người không biết. Không có kẻ thứ hai thì không có bí

mật. Như Robinson trên hoang đảo của mình, ông không thể có một bí mật nào, ngoại trừ

những bí mật bị dồn nén trong vô thức của chính ông. Nhiều tác giả đã đề cập đến quan hệ

giữa bí mật và vô thức, nên tôi sẽ không trở lại vấn đề này.

Bí mật và uy quyền

6

Bí mật bao hàm kẻ khác và cũng bao hàm uy quyền trên kẻ khác. Người ta thường cho rằng,

mọi sự hiểu biết đều tạo ra uy quyền. Bí mật cũng không thoát khỏi quy luật đó, hơn nữa nó

còn tạo ra điều ngược lại. Nếu ta đảo ngược lại mệnh đề “bí mật tạo ra uy quyền” thì ta cũng

có thể cho rằng “uy quyền tạo ra bí mật”. Các nhà xã hội học cũng đã đề cập đến ảnh hưởng

của những “điều không được nói ra” mang tính chất xã hội trên việc hình thành những sự

tha hóa. Do đó, tôi cũng không triển khai thêm vấn đề này.

Nhưng kèm theo uy quyền này do bí mật tạo ra thì có kèm theo một sự đe dọa: Đó là sự tiết

lộ bí mật. Như vậy, đó là một thứ uy quyền bị đe dọa, một uy quyền yếu ớt (cũng giống như

phần lớn các uy quyền). Nếu bị tiết lộ, thì bí mật sẽ biến mất đi cùng với uy quyền mà nó

đem lại. Và có thể người khám phá ra bí mật đó có thể sử dụng nó để chống lại chính kẻ đã

giữ bí mật trước đó.

Làm thế nào để cấm sự tiết lộ đó? Chỉ có thể bằng cách dựng lên một số phương tiện kiểm

soát. Cũng giống như khi bắt đầu áp dụng một luật lệ, cần phải có những phương tiện để thi

hành, buộc phải tuân theo và kiểm soát. Khi bí mật muốn được bảo tồn và uy quyền của nó

được duy trì thì phải xây dựng những phương tiện kiểm soát và bảo tồn luật lệ.

Trong một gia đình, khi một luật lệ bị vi phạm và được thay thế bằng một bí mật, thì chính

sự kiểm soát và bảo tồn bí mật sẽ thay thế cho sự kiểm soát và bảo tồn luật lệ.

Luật lệ bị vi phạm không bị xóa bỏ, nhưng thay thế cho luật lệ đó sẽ hình thành một luật của

gia đình nhắm vào sự bảo tồn bí mật, làm cho luật lệ trước đây bớt phần quan trọng. Và đến

lượt nó, luật lệ gia đình sẽ kéo theo một sự tổng hợp các quy tắc.

Bí mật và quy tắc

Theo Tự điển Litré, quy tắc là “những quy chuẩn dựa trên luật lệ, tục lệ và tập quán”. Như

vậy, quy tắc không phải là luật lệ nhưng sẽ định hướng cho những hành vi dựa trên luật lệ.

Chính sự sửa đổi luật lệ sẽ kéo theo sự sửa đổi những quy tắc gia đình làm cho bí mật trở

nên có hiệu nghiệm. Thật vậy, nếu những người không được khai thông về một bí mật nào

đó, thì họ vẫn cảm nhận là người ta vẫn còn giấu diếm một điều gì đó, hoặc có vài vấn đề gì

đó vẫn còn là sự cấm kỵ. Bao giờ bí mật cũng có hai cực: một là cấm hiểu biết những nội

dung của bí mật; hai là cấm không được hiểu và quên đi là có một bí mật. Nếu không thì

cũng chẳng còn có bí mật nào nữa, cũng giống như là nó đã bị tiết lộ. Ta có thể nói rằng

muốn có một bí mật và muốn nó có hiệu nghiệm cũng như tạo ra uy quyền cho người giữ bí

mật đó thì phải có phương tiện kiểm soát để tránh sự tiết lộ cũng như có phương tiện để

nhớ đến nó hầu tránh sự lãng quên.

Nếu trong gia đình có bà nội tự tử, bà đã vi phạm nguyên tắc buộc chúng ta không có quyền

tự chấm dứt cuộc sống của chính mình. Nhưng bà đã làm như vậy, có lẽ do chính con cái bà

đã không tuân theo luật buộc phải chăm sóc người già. Điều này cho thấy rằng khi cha mẹ

7

nhận ra lỗi lầm của họ sẽ dẫn đến việc họ che giấu sai lầm của việc bà nội tự tử. Quy tắc sẽ

hình thành trong gia đình để cấm các thành viên đề cập đến chuyện này. Như vậy, người ta

sẽ không nhắc đến nó, hoặc sẽ trả lời một cách mơ hồ, sai lệch (vd: bà đã mất vì bị ngưng

tim) và dần dần nó sẽ trở thành một điều cấm kỵ. Sau đó, con cháu biết rằng có một điều bí

mật xung quanh cái chết của bà nội, nhưng không biết bí mật đó là gì. Ngoài ra, nếu đã

không đề cập đến cái chết của bà thì tốt hơn hết là sẽ không nói thêm điều gì về bà nội, và

thậm chí về cả ông bà cố, hoặc cả những mối quan hệ giữa cha mẹ và ông bà nội nữa... Như

vậy, người ta sẽ phát triển cái mà Nagy gọi là “sự cố định quan hệ” tức là khu vực của những

điều không được nói ra và dần dần bí mật sẽ lan tỏa ra như một giọt dầu.

Nếu bí mật thật sự là quan trọng, những quy tắc mà nó tạo ra sẽ trở nên chiếm ưu thế trong

sự vận hành gia đình. Tuy vậy, những quy tắc thường rất ít khi minh bạch vì chúng thường

gắn liền với một bí mật. Do đó, chúng thường được truyền lại một cách vòng vèo và sẽ được

người khác nhận ra cái mà Ferreira gọi là “huyền thoại gia đình”.

Bí mật và huyền thoại

Theo Ferreira, huyền thoại gia đình là “một số điều tin tưởng được hệ thống hóa và được

toàn bộ thành viên gia đình chia sẻ về vai trò của từng người trong gia đình và về bản chất

của những mối quan hệ giữa họ với nhau”. Nói cách khác, huyền thoại phản ánh hình ảnh

mà gia đình muốn gắn cho mình, cho dù hình ảnh đó có phù hợp với thực tế hay không.

Ngoài ra, huyền thoại sẽ càng mạnh nếu nó không phù hợp với thực tế. Một gia đình mà sự

vận hành theo kiểu dễ thích ứng, dễ thay đổi và mở rộng sẽ ít có khả năng để thiết lập một

huyền thoại, ngoại trừ cái huyền thoại là “không có huyền thoại”! Ngược lại, một gia đình có

sự vận hành cứng nhắc bởi những quy tắc đã được ấn định một cách khắc khe lại phải cố

gắng hơn để phù hợp với cái huyền thoại do chính mình thành lập, vì điều này được xem

như là pháo đài cuối cùng để chống lại sự rối loạn.

Như trong thí dụ đã nêu, quy tắc ngăn cản việc nói đến cái chết của bà nội sẽ kéo theo một

số quy tắc mới, mà theo đó người ta sẽ không nói đến chủ đề “quan hệ cha mẹ - con cái”. Và

từ đó có thể nảy sinh bên trong gia đình này một huyền thoại là không bao giờ giữa cha mẹ

và con cái lại có vấn đề, đến nỗi không cần phải nói đến nữa. Bất cứ ai muốn xem xét hoặc

công kích huyền thoại này sẽ làm cho cả gia đình gắn bó lại với nhau để gạt bỏ nỗ lực này.

Như vậy, huyền thoại có chức năng che giấu một quy tắc bắt nguồn từ trực tiếp hoặc có liên

hệ ít nhiều đến một bí mật, bằng cách làm cho chính quy tắc đó trở nên dư thừa.

Huyền thoại gia đình có thể mới có hoặc đã có từ lâu đời, ví dụ có những gia đình mà quy

tắc vận hành tưởng chừng như đã được ấn định từ thời ông tổ đã từng tham gia cuộc thập

tự chinh. Hãy thử công kích một huyền thoại lâu đời như thế xem! Ta có thể nhận định rằng

bí mật, quy tắc và huyền thoại gắn liền một cách chặt chẽ với nhau và có tính lưu truyền.

Bí mật và sự quân bình nội tại

8

Đối với sự quân bình nội tại (homeostasis) thì những bí mật, quy tắc mà nó dựng nên, cũng

như những huyền thoại mà nó tạo ra, giúp nó tránh được những thay đổi bị xem là “nguy

hiểm”. Nói cách khác, chính những điều này góp phần vào việc quân bình nội tại, tức là hình

thái lý tưởng của một hệ thống không thay đổi.

Nếu trong giai đoạn đầu bí mật có thể hữu ích, thì sau đó nó có thể nhanh chóng trở thành

những lực cản, ngăn chận mọi sự thay đổi thực sự và mọi sự tiến hóa của hệ thống gia đình.

Hệ thống này sẽ hướng đến việc khép kín ngày càng mạnh hơn, dẫn đến sự nghèo nàn về

thông tin và sự xơ cứng về cơ cấu.

Vì “bệnh nhân chỉ định” thường là “thành viên tiêu biểu và duy trì sự quân bình nội tại” của

gia đình, nên ta không ngạc nhiên khi thấy rằng người đó có tính tiêu biểu một cách mạnh

mẽ cho cái nghịch lý giữa cái bí mật mà gia đình muốn giấu kín và cái huyền thoại mà gia

đình muốn đề cao. Hơn cả những người khác, đối với người bệnh ấy điều này thậm chí còn

càng không được biết và lại càng không được quên.

Tình trạng của những đứa bé bị loạn tâm mang tên một người anh đã mất là một thí dụ điển

hình nhất. Trẻ thường không biết đến người anh đã mất, mặc dù trẻ là một kỷ niệm sống

của người anh, vì mang tên của người anh và được xem là đại diện cho người ấy đến nỗi trẻ

không có quyền có được một cuộc sống riêng biệt cho mình.

Những huyền thoại gia đình có một ảnh hưởng quyết định đến vai trò do hệ thống gia đình

quy định nhằm duy trì sự quân bình nội tại.

Bí mật và vai trò

Ta vừa đề cập đến bệnh nhân chỉ định và vai trò của người này nhằm duy trì sự quân bình

nội môi. Vai trò đó khiến cho người này được mang nhãn hiệu “con bệnh” của hệ thống.

Ferreira đã chứng minh rằng vai trò này kéo theo những “vai trò đối nghịch” với các thành

viên khác của hệ thống, tức là những người “không bị bệnh”. Một phụ nữ xem chồng mình là

người nghiện rượu thì mặc nhiên cũng sẽ xem mình là một người không nghiện rượu, dù bà

công nhận đôi khi bà cũng uống đôi chút.

Ở đây, ta gặp lại những phân tích của các nhà xã hội học về sự tương tác và đặc biệt là

những người quan tâm nghiên cứu những hiện tượng lệch lạc. Họ đã chứng minh rằng

những người có hành vi “lệch lạc” sẽ giúp cho những người khác trong hệ thống xem mình

là “không lệch lạc”, họ cũng chứng minh rằng chính những hành vi lệch lạc đã củng cố sự

gắn kết của một hệ thống xã hội nhất định.

Như vậy thì quy tắc, huyền thoại và vai trò đóng góp cho việc duy trì sự quân bình nội môi.

Nếu sự quân bình nội môi có ích cho sự vận hành của hệ thống, thì tại sao trong một số

trường hợp nó lại tạo ra sự vận hành mang tính bệnh lý và những bí mật có đóng vai trò gì

trong việc làm gia tăng tính chất đó hay không?

9

Bí mật và xu hướng tiêu vong (vì bị tiêu hao năng lượng)

Khái niệm xu hướng tiêu vong được lý thuyết tổng quát về hệ thống rút ra được từ môn

nhiệt động học. Xuất phát từ nguyên lý thứ hai của Carnot, khái niệm này có thể được xem

là thước đo sự rối loạn của một hệ thống.

Khái niệm này mang một giá trị âm. Và trong một hệ thống khép kín, bao giờ nó cũng tăng

và tương đương với số Không (0). Thật vậy, khi năng lượng được tiêu dùng, bao giờ nó

cũng bị hao hụt, hay nói cách khác là nó mang lại một hiệu suất kém hơn một đơn vị. Muốn

làm giảm sự tiêu hao năng lượng của một hệ thống sử dụng nhiệt năng, ta phải đưa thêm

năng lượng từ bên ngoài vào, khi ấy ta làm tăng xu hướng phản tiêu hao. Còn trong hệ

thống của con người, điều quan trọng không phải là năng suất về năng lượng, mà chính là

sự trao đổi, giao tiếp.

Khi một hệ thống giao tiếp không nhận được những thông tin mới, thì sự giao tiếp ngày

càng trở nên nghèo nàn, hay nói cách khác là xu hướng tiêu hao ngày càng tăng, và do đó,

trật tự chức năng bị suy giảm, điều đó sẽ biểu hiện bằng sự xuất hiện của một tình trạng rối

loạn chức năng hoặc ngược lại, bằng một sự tái cấu trúc bề ngoài, sự hình thành những quy

tắc và những vai trò cứng nhắc. Trong trường hợp thứ hai, thật ra đó không phải là một trật

tự thật sự mà chỉ là một trật tự giả tạo được áp dụng trong hư không, đã đánh mất cái mục

đích của nó, hay nói đúng hơn là một trật tự đã tự lấy mình làm mục đích tối hậu. “Trật tự

cho trật tự” thật sự chính là sự gia tăng xu hướng tiêu hao. Nghĩa là một sự rối loạn ngày

càng tăng vì trật tự chỉ có thể phục vụ cho một mục đích vượt khỏi nó, hoặc theo Russell thì

nó thuộc về một trình độ lôgíc khác. Khi trong một gia đình mà trật tự chỉ phục vụ cho chính

nó chứ không phục vụ cho việc vận hành của hệ thống gia đình thì ta có thể xem nó như một

cỗ máy chạy không tải, không có khả năng đáp ứng những mục đích mà nó đã đề ra. (Đó là

cách để nhận định về những gì ta có thể thấy trong các gia đình có người bị bệnh tâm thần

phân liệt)

Theo định nghĩa, bí mật là một thông tin không được truyền lại và điều đó thường tạo ra

một không gian cho sự ổn cố về mặt quan hệ, tức là sự tắc nghẽn trong khả năng giao tiếp,

do đó ta có thể nghĩ rằng những bí mật làm tăng trưởng xu thế tiêu hao của hệ thống gia

đình.

Bí mật và sự chuyển giao đa thế hệ

Tôi có một người có những ý kiến mà tôi rất quý, khi biết tôi có sự quan tâm đến chuyên đề

bí mật, anh cũng cho biết là chính anh cũng từng muốn khám phá bí mật của gia đình mình.

Nhất là từ khi anh trở thành cha của một đứa trẻ mà anh không thể nhìn nhận vì anh đã có

gia đình. Biến cố đó có một tác động rất lớn trên gia đình gốc của anh vì anh vẫn thường

đến thăm con riêng của mình hằng tuần. Anh bị mọi người chê trách và chỉ tìm được sự an

ủi bên cạnh một ông chú nghiện rượu và cũng bị gia đình khai trừ!

10

Ông chú ấy cũng có một mối quan tâm như anh vì chính ông từng muốn tìm nguồn gốc của

gia đình và sự ra đời danh hiệu của dòng họ. Đây là những gì ông đã tìm ra: Người thành lập

dòng họ và cho nó mang họ mình chính là một người phụ nữ buôn hương bán phấn. Là bà

cố đời thứ ba, bà đã sinh ra một đứa con trai và cho nó mang họ mẹ. Từ đó, bí mật được giữ

kín và đã phát sinh ra huyền thoại về một dòng họ Công giáo đáng kính. Thật vậy, gia đình

anh bạn tôi đã lựa chọn anh như một đại diện cho dòng họ khi muốn hướng anh vào con

đường tu hành. Anh đã không tuân theo huyền thoại và rời bỏ dòng tu. Khi kết thúc câu

chuyện, anh nói: Rốt cuộc là gia đình tôi mang họ của một người đàn bà, giống như con của

chính tôi lại mang họ mẹ nó! Thật vậy, anh chỉ nhận thức rằng anh đã thực hiện những gì

anh mới nêu ra khi tôi lưu ý anh đã vô tình làm cho huyền thoại có tác dụng khi anh từ chối

nó.

Thí dụ này giúp ta có một số nhận định khá thú vị. Trước hết đây là một thí dụ rất hay về sự

chuyển giao đa thế hệ của bí mật. Người chuyển giao bí mật và người tiếp nhận nó đều bị

đặt ra ngoài lề của huyền thoại gia đình về sự đáng kính. Một tiền sử chẳng hay ho gì là nội

dung của bí mật, điều này hình như không gây nên bệnh lý đặc biệt gì nhưng lại tạo ra một

lối sống đặc biệt cho gia đình. Người xa lánh huyền thoại cũng sẽ là người làm cho nó có tác

dụng. Thật vậy, người ấy vừa lập lại bí mật gia đình khi có một đứa con ngoại hôn, vừa làm

cho truyền thống gia đình (đúng hơn là lịch sử gia đình) bị đứt đoạn khi không thể truyền

lại họ của mình cho đứa con.

Người ta có thể nghĩ rằng sự lập lại của một tình trạng từ thế hệ này sang thế hệ khác như

trên chỉ là sự tình cờ. Những có những thí dụ tương tự làm tôi nghĩ rằng sự hình thành một

bí mật là một phương tiện, có lẽ tốt nhất, để chuyển giao một thông điệp từ thế hệ này sang

thế hệ khác.

Để minh họa, tôi xin giới thiệu một chi tiết của bài “Bức thư bị giấu” của Edgar Poe: “Không

ai tìm ra bức thư này, mặc dù đã lục soát kỹ nhiều lần, trong khi nó lại được đặt một cách lộ

liễu ngay trên lò sưởi”. Tác giả đưa ra kết luận rằng tốt hơn hết nên đặt một cách lộ liễu

trước mắt mọi người cái điều mà ta muốn giấu, hoặc ngược lại, nơi có thể giấu kỹ nhất

chính là những chỗ đặt trước mắt mọi người. Và ta có thể tiếp tục suy diễn về nghịch lý ấy

khi nói rằng một việc càng sáng tỏ bao nhiêu thì càng ít được hiểu rõ bấy nhiêu.

Tôi có thể cắt nghĩa bằng giả thuyết sau đây: Thông điệp biến thành bí mật sẽ được truyền

qua chính những quy tắc làm cho nó bị cấm tiết lộ. Làm sao giải thích nghịch lý này? Chính

những nguyên tắc ngày càng trở nên quan trọng qua trung gian những sự cố định quan hệ

và những món nợ về sự trung thành mà nó tạo nên. Tầm quan trọng của những quy tắc này

lớn đến nỗi nó làm sáng tỏ những điều mà lẽ ra nó phải che giấu. Nhưng cũng chính vì sự

sáng tỏ này mà không ai trong hệ thống gia đình có thể hiểu được thông điệp mà nó chứa

đựng.

11

Những quy tắc càng gò bó thì nguy cơ vi phạm càng cao. Đó là số phận của nó – Điều mà tôi

muốn chứng minh thông qua các thí dụ lâm sàng là sự vi phạm sẽ tiết lộ bí mật bằng cách

tác động đến nó.

Trong một câu chuyện cổ tích, Barbe-Bleue (Yêu râu xanh) có một bí mật tối quan trọng, đó

là cái chết bí ẩn của 7 người vợ trước của ông. Khi ông phải đi vắng và sợ là bí mật sẽ bị

phát hiện, ông đã đưa ra một quy tắc là cấm bà vợ cuối của ông không được sử dụng chiếc

chìa khóa vàng để đi vào căn phòng cuối cùng trong ngôi nhà. Dù vậy, ông vẫn giao cho bà

vợ chiếc chìa khóa vàng! Chiếc chìa khóa vàng được xem là một biểu tượng cho khả năng

mà chúng ta có thể khám phá điều bí mật và nỗi nguy hiểm của sự khám phá ấy đem lại.

Trong các gia đình, người ta thường hay vô tình trao chiếc chìa khóa của các căn phòng cấm

trẻ em vào, rồi lại hy vọng và tin rằng chúng sẽ không dám sử dụng vì e sợ! Đó phải chăng là

ý nghĩa của truyện cổ tích này?

Bí mật và tính luân chuyển

Khi nói đến những người hay dựng nên những bí mật, tôi không có ý nói rằng họ là căn

nguyên của sự bí mật. Chính bản thân họ cũng chịu sự chi phối của những luật lệ, cũng phải

đảm nhiệm một vai trò, cũng bị ràng buộc bởi những món nợ của sự trung thành. Sự hình

thành của một bí mật chỉ có thể hiểu được nếu ta đặt nó trong một viễn cảnh sẵn có của một

hệ thống đang hướng đến sự quân bình nội môi thông qua những những sự điều chỉnh

không ngừng bằng những tác động phản hồi. Nói một cách khác, bí mật xuất hiện chính ở

khúc quanh của một dây chuyền các phản hồi và các tác động qua lại, mà tác giả chỉ là người

chịu tác động bởi sự vận hành của hệ thống.

Đứng trên quan điểm hệ thống về sự luân chuyển, ta cũng không thể chỉ xem bí mật như là

yếu tố tạo nên các quy tắc, huyền thoại và vai trò mà nó kéo theo. Bí mật vừa tạo ra, vừa

được tạo ra bởi các quy tắc ấy, và chính những quy tắc đó lại vừa tạo dựng, vừa được tạo

dựng bởi các bí mật. Những thông tin bị giấu kín, bí mật, quy tắc, huyền thoại và vai trò... chỉ

là những yếu tố làm cho hệ thống gia đình tiếp tục được vận hành nhằm duy trì sự quân

bình nội môi.

Bí mật và những giai đoạn tối quan trọng

Jay Haley cho thấy rằng, những giai đoạn lớn trong đời sống gia đình là những lúc có một

người bước ra khỏi hoặc gia nhập vào hệ thống gia đình. Những giai đoạn đó thường gây ra

một cơn khủng hoảng trong hệ thống, vì chúng tiêu biểu cho “một sự thay đổi đã được dự

đoán”. Minuchin cũng cho thấy là chính vào lúc đó đã diễn ra những sự thay đổi về các

đường ranh giới và sự tổ chức lại các mối liên kết. Do những thay đổi này, những giai đoạn

ấy thường là lúc mà các bí mật được hình thành hoặc được tiết lộ.

12

Trong thí dụ về một bà cố là gái bán hoa ngày xưa, thì sự ra đời nhục nhã (của một dòng họ)

mà người ta muốn giữ kín lại được tiết lộ nhân dịp một sự ra đời khác (của một đứa con)

không được thừa nhận! Sự ra đời của những đứa con cũng là lúc mà các cặp vợ chồng quyết

định những điều họ muốn hoặc không muốn tiết lộ cho con của mình. Nhưng chính trong

giai đoạn thiếu niên và lúc bắt đầu hội nhập vào cuộc sống người lớn mới thật sự là những

lúc mà các bí mật trở nên quan trọng. Nhu cầu giữ kín của thiếu niên, những ranh giới và

những liên kết mới tạo ra do sự hiện diện của đứa con thiếu niên, sự thay đổi các quy tắc gia

đình do vị trí mới của thiếu niên mang lại... đều là những lý do tạo nên những bí mật. Ngoài

ra, khi nhu cầu về ý nghĩa trùng hợp với sự tìm kiếm bản thân, khi hệ thống cảm thấy cần

đến việc tự định nghĩa lại, khi tình trạng khủng hoảng của tuổi thiếu niên tạo ra những căng

thẳng, tất cả những lúc ấy đều là lý do để có thể tiết lộ các bí mật.

Khi ta biết những mối liên hệ gắn liền những bí mật và biểu hiện bệnh lý, ta sẽ không ngạc

nhiên khi thấy rằng bí mật và sự bộc phát bệnh lý thường trùng hợp với những giai đoạn

quan trọng của gia đình.

THAY CHO KẾT LUẬN

Trị liệu gia đình vượt lên trên sự cấm kỵ của trị liệu cá nhân và bí mật trong quan hệ tay

đôi. Do đó, nó có thể có những vấn đề. Sau đây là một số nhận định khi cần áp dụng trên

thực tế:

Không nên “tấn công” thẳng vào các bí mật và cũng không nên tìm cách khám phá bí

mật bằng mọi giá. Cũng như Haley đã nói: “Khi vừa muốn nghiên cứu, vừa muốn trị

liệu thì e rằng ta sẽ làm dở cả hai vai trò. Với tư cách là nhà nghiên cứu, ta có thể rất

quan tâm đến bí mật, nhưng việc khám phá ra bí mật chưa hẳn đã giúp ích cho việc

trị liệu gia đình. Tấn công vào bí mật có thể làm ta mất khả năng liên kết với sự quân

bình nội môi.

Phải bao vây bí mật, xác định nó, xem nó là những dấu vết mà ta cần phải xem xét,

như những miếng bánh mà ta phải ăn một cách thận trọng. Làm cho thông tin được

lưu hành sẽ tăng cường khuynh hướng chống lại sự tiêu vong, và điều này làm cho

sự vận hành chức năng của hệ thống gia đình được tốt hơn.

Ta không nên rơi vào cái bẫy của những bí mật giả tạo, những tiết lộ giả tạo, những

thông tin được phổ biến không chính thức vào cuối các buổi gặp gỡ hoặc những bức

thư được giao trong các buổi họp, có thể làm cho ta nghĩ rằng đó là do một thành

viên trong gia đình đã tin tưởng ta và tìm cách thổ lộ. Đứng về phương diện hệ

thống, mục đích duy nhất của các hành vi trên là làm cho ta bó tay.

Phân tâm học đã nêu bật tầm quan trọng của những bí mật mà chúng ta tạo nên cho chính

bản thân mình, bằng cách đè nén nó vào vô thức, và giữ nó lại trong bối cảnh nguyên thủy.

Bí mật giống như yếu tố sáng lập, theo cách thức đặt vấn đề trong huyền thoại Oedipe. Cách

13

tiếp cận hệ thống đã phát hiện ra tầm quan trọng của bí mật trong động lực gia đình (family

dynamic).

Bệnh lý của một thành viên trong hệ thống gia đình cho ta thấy, có thể đó là kết quả của vai

trò đã được giao cho người đó, và nói cho cùng có thể là do sự bí mật hàm chứa vai trò đó.

Nghịch lý ở chỗ, bệnh lý đã làm cho bí mật được hé mở nhưng ta lại không thể khám phá nó.

Áp dụng giả thuyết đó cho những hành vi lệch lạc tuổi thiếu niên, tôi nghĩ rằng nó có thể áp

dụng cho những loại bệnh lý khác.

Ta hãy kết thúc bằng một câu hỏi mang tính chất đặt vấn đề: Sự mê sảng phải chăng là ngôn

ngữ huyền bí của bí mật về cái chết, là sự chuyển sang hành động, là sự dàn cảnh của một bí

mật đầy bạo lực hoặc đáng hổ thẹn. Còn hành vi nhiễu tâm, là sự trình diễn hằng ngày của

vô số bí mật làm nền tảng cho nhân loại chúng ta?